TP.HCM dự kiến thu 18.000 tỷ đồng nhờ gỡ vướng 5 dự án; Tạm giữ người trả giá đất 30 tỷ đồng/m2
Bộ Xây dựng đề xuất gói vay mới cho nhà ở xã hội, lấy vốn từ trái phiếu Chính phủ
Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ đang dự thảo nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nhu cầu vốn, để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.
Gói vay nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng đề xuất sẽ lấy vốn từ trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Trọng Tín |
Tiêu chí, điều kiện vay của gói sẽ áp dụng theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Theo đó, người dân sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng.
Lãi suất của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng sẽ bằng với mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ (hiện đang là 6,6%/năm). Thời hạn vay tối đa 25 năm.
Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng sẽ kéo dài cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Tuy nhiên, thời hạn sẽ không vượt quá ngày 31/12/2030.
Về lộ trình thực hiện, dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2029, mỗi năm, gói sẽ giải ngân khoảng 16.500 tỷ đồng. Riêng năm 2030, số tiền giải ngân sẽ nâng lên thành 17.500 tỷ đồng.
Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ, để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Giá bất động sản Việt Nam tăng nhanh hơn cả Mỹ, Úc, Nhật Bản
Trong một hội nghị được tổ chức vào ngày 3/12, khi chia sẻ về các yếu tố vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV luôn bày tỏ sự lạc quan trước các triển vọng tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi nhắc đến câu chuyện giá bất động sản, tinh thần hứng khởi đó đã không còn.
“Giá nhà bây giờ tăng nhanh quá! Từ năm 2019 đến giờ, giá tăng tới 50 - 70%, chủ yếu là phân khúc chung cư. Một phần nguyên nhân khiến mức giá bị đẩy lên cao là do thiếu hụt nguồn cung. Tôi cho rằng, thị trường đang tiềm ẩn những sự bất thường. Doanh nghiệp bất động sản cần cân nhắc, tính toán về mức giá của sản phẩm, sao cho hợp lý và bền vững”, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề.
Để củng cố nhận định trên, vị chuyên gia cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, tín dụng cho vay nhà ở chỉ tăng 4,6%, dù lãi vay liên tục giảm. Đà tăng chậm này phản ánh tâm lý e dè của người mua nhà, trước giai đoạn “bão giá” của thị trường địa ốc.
Mức tăng trưởng giá và lợi suất cho thuê bất động sản tại các quốc gia. |
Theo Global Property Guide, giá bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh thuộc top đầu thế giới. Với mức giá tăng tới 59% sau 5 năm, con số còn cao hơn cả Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%). Thậm chí, mức tăng của Việt Nam còn cao gấp 3 - 6 lần so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia (9%), Malaysia (11%), Thái Lan (18%).
Bên cạnh những con số dữ liệu, những chủ đề được nhiều người quan tâm nhiều nhất trên internet cũng đang xoay quanh vấn đề giá nhà. Theo đó, những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất đang là “người trẻ khó mua nhà”, “thuế bất động sản”, “giá bất động sản cao” và “ngáo giá bất động sản”.
TP.HCM gỡ vướng thêm 5 dự án bất động sản, dự kiến thu trên 18.000 tỷ đồng
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư để xem xét tháo gỡ cho 5 dự án bất động sản.
Những dự án được xem xét tháo gỡ vướng mắc lần này, gồm: dự án khu phức hợp Lotte Eco Smart City tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Tập đoàn Lotte; khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, TP.Thủ Đức thanh toán cho hợp đồng BT dự án đường Song Hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây do Công ty Nguyên Phương làm chủ đầu tư;
Khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City làm chủ đầu tư; khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; khu thương mại và căn hộ I-Home tại số 359 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp.
Dự án khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte với mức thu tiền sử dụng đất dự kiến theo chứng thư thẩm định giá là 16.000 tỷ đồng. |
Đáng chú ý, trong 5 dự án vừa được tháo gỡ, có 2 dự án nằm trong nhóm 22 dự án được định giá đất trong quý IV/2024.
Cụ thể, dự án Khu phức hợp Lotte Eco Smart City của Tập đoàn Lotte, với mức thu dự kiến theo chứng thư thẩm định giá là 16.000 tỷ đồng. Dự án này được động thổ vào tháng 9/2022 do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do gặp vướng về nghĩa vụ tài chính nên đến nay vẫn nằm im bất động.
Dự án lớn thứ hai là khu đất 14,8 ha phường An Phú, TP. Thủ Đức để thanh toán theo Hợp đồng BT dự án đường song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Phương. Ước tính số tiền thu về từ dự án này là 3.5000 tỷ đồng theo chứng thư thẩm định giá.
UBND Thành phố cho biết, kết quả tháo gỡ cho 5 dự án nêu trên sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trên 18.000 tỷ đồng, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đầu tư, cấp phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính để triển khai thi công xây dựng hoàn thành dự án nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh lãng phí đất đai.
Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 498 trường hợp đã mua căn hộ tại dự án khu thương mại và căn hộ I-Home, đảm bảo quyền và lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tạm giữ người trả giá đất 30 tỷ đồng/m2
Vào ngày 3/12, phía Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ, điều tra về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản đối với 5 đối tượng, gồm Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân.
Theo lời khai, trước khi đấu giá, các đối tượng đã xác định mức giá trúng chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2. Để khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng đã thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc.
Khu đất đấu giá tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phan Thiên |
Cụ thể là, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng/m2 thì vào vòng 5, họ sẽ đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6, nhóm sẽ cùng thống nhất xin rút, không tiếp tục tham gia đấu giá. Mục đích là để không cho lô đất được đấu trúng.
Với chiêu trò này, 36/58 lô đất bị các đối tượng trên thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số lô còn được trả lên 30 tỷ đồng/m2 bởi đối tượng Phạm Ngọc Tuấn.
Trước các dấu hiệu bất thường của cuộc đấu giá, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng chính sách pháp luật để hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản nói chung và đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trên địa bàn thành phố.
Hiện phía Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.
Vào ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90 - 224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2, tiền đặt trước tương ứng 223 - 550 triệu đồng/lô. Theo quy chế, phiên đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp thông qua tối thiểu 6 vòng.
Huyện Thanh Oai dừng đấu giá gần 200 lô đất, trả lại tiền cọc
Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc Gia và Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo dừng tổ chức 3 phiên đấu giá đợt 4, 5 và 6 tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội). Thông báo dựa trên công văn yêu cầu dừng tổ chức các cuộc đấu giá đối với 197 thửa đất tại khu vực nói trên của UBND huyện.
Theo kế hoạch, 3 phiên có tổng 39 thửa đất dự kiến lên sàn đấu vào ngày 7/12, 14/12 và 21/12 tới đây. Trong đó, đợt 4 có 19 thửa diện tích 74-92m2, đợt 5 có 24 thửa đất diện tích 88-175m2, còn lại 20 thửa đợt 6 có diện tích 96-149m2. Các lô này đều có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2.
Thông báo nêu các phiên đấu giá sẽ được tổ chức sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Khách hàng đã mua hồ sơ tham gia và nộp tiền đặt trước cần liên hệ với đơn vị tổ chức đấu giá để được hướng dẫn thủ tục nhận lại khoản tiền đã nộp.
Ninh Thuận tạm ngưng hoạt động sàn giao dịch bất động sản của Hacomland
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định tạm ngừng hoạt động sàn giao dịch bất động sản Hacomland của Công ty cổ phần Hacomland Ninh Thuận. Thời gian tạm ngưng từ ngày 3/12/2024.
Theo Sở Xây dựng, lý do tạm ngưng là chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản của các cá nhân môi giới bất động sản đã hết thời hạn. Được biết, quyết định này căn cứ kết quả kiểm tra ngày 28/11/2024 của Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng (theo Quyết định số 431/QĐ-BXD).
Trong thời gian tạm ngưng, Sở Xây dựng yêu cầu sàn giao dịch bất động sản Hacomland có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm đ, Điều 17, Nghị định 96/2024/NĐ-CP, ngày 24/7/2024 của Chính phủ.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 96, trong thời gian tạm ngừng hoạt động, sàn giao dịch bất động sản phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với các môi giới và người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; đối với hợp đồng dịch vụ đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ đó.
Sàn giao dịch bất động sản Hacomland do Công ty cổ phần Hacomland Ninh Thuận thành lập có trụ sở tại lô TM09, đường Đặng Quang Cầm, Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2), phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Hiện theo thông tin đăng tải, sàn giao dịch bất động sản Hacomland hiện đang giới thiệu các dự án tại Ninh Thuận gồm căn hộ chung cư của Khu đô thị mới Đông Bắc – Khu K1 (tại Dự án Chung cư Hacom Galacity đã mở bán, Trung tâm thương mại Hacom Mall đang triển khai); Khu đô thị mới Đông Bắc và Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (Khu K2)…
Kon Tum chấm dứt dự án hơn 1.700 tỷ đồng của FLC
Ngày 4/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cho biết, vừa có thông báo số chấm dứt hoạt động Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, chấm dứt hoạt động dự án này vì Công ty cổ phần Tập đoàn FLC quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố theo điểm a, khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cũng nêu rõ, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Kon Tum thu hồi công văn số 1952 và công văn số 4165; các văn bản này sẽ chấm dứt hiệu lực tại thời điểm thông báo có hiệu lực.
Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. |
Dự án khởi công năm 2019 tại đường Trường Chinh, TP. Kon Tum có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, có diện tích sử dụng đất khoảng 18 ha, với mục tiêu đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố với quy hoạch đồng bộ, có chất lượng cao. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, hàng chục căn biệt thự chưa thể hoàn thiện, cỏ mọc um tùm vây quanh dự án.
Năm 2022, Thanh tra Chính phủ có kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại của dự án. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này được tỉnh Kon Tum giao Tập đoàn FLC có diện tích gần 18 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là vi phạm.
Tại thời điểm thanh tra, Tập đoàn FLC không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, dự án chưa hoàn thành, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tự ý tách thửa diện tích đất và cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Tập đoàn FLC với thời hạn lâu dài là không đúng quy định Luật Đất đai.
Quảng Nam đề xuất chi 416 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Tỉnh Quảng Nam vừa trình Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, dự kiến tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết này khoảng 416 tỷ đồng, từ nguồn thu quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tỉnh Quảng Nam sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư dự án nhà ở xã hội. |
Chính sách này sẽ hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; tạo quỹ đất sạch, để chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, bao gồm dự án có phân kỳ đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ 100% phí, lệ phí thực hiện thủ tục đầu tư.
Đối tượng áp dụng cho Nghị quyết này là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn.
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023.
Xem thêm tại baodautu.vn