Trái chiều cuộc đua chuỗi nhà thuốc của 2 đại gia ngành bán lẻ

Từng đặt kỳ vọng phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang lên đến 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2023. Ở thời điểm hiện tại, Thế giới Di động buộc phải “quay xe”, với mục tiêu đến cuối năm 2024 cắt giảm cửa hàng.

Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm, mặc dù kinh doanh khởi sắc trở lại nhưng làn sóng đóng cửa các cửa hàng thuộc Thế giới Di động vẫn tiếp tục lan rộng.

-6889-1724404483.jpg

Trái chiều cuộc đua chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động và FPT Retail.

Tính đến cuối tháng 7, tập đoàn chỉ còn 1.028 cửa hàng Thegioididong.com (gồm Topzone), giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6. Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh giảm 59 cửa hàng, xuống còn 2.034 cửa hàng.

Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ còn 387 nhà thuốc hoạt động vào cuối tháng 7, giảm 94 điểm bán so với cuối tháng 6.

Tính đến ngày 23/8, website của chuỗi dược phẩm này cho thấy chuỗi chỉ còn 343 nhà thuốc hoạt động, giảm 184 nhà thuốc từ đầu năm. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com, doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc hiện khoảng 500 triệu đồng/tháng.

Cũng theo vị CEO này, số lượng nhà thuốc An Khang dự kiến giảm xuống còn 300 vào cuối năm nay. Như vậy, sẽ có thêm 43 nhà thuốc phải đóng cửa từ nay đến cuối năm, nâng tổng số nhà thuốc An Khang bị "khai tử" trong năm lên hơn 200 nhà thuốc.

"Với số lượng nhà thuốc còn lại, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện mô hình kinh doanh và chỉ nghĩ đến việc mở rộng khi các cửa hàng đã đạt điểm hòa vốn", ông Hiểu Em nói, đồng thời nhấn mạnh mỗi nhà thuốc cần đạt doanh thu 550 triệu đồng/tháng để đạt điểm hòa vốn.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, SSI Research dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ chịu khoản lỗ lần lượt là 339 tỷ đồng243 tỷ đồng trong năm 2024-2025.

Thực tế, trong quý II năm nay, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn báo lỗ sau thuế hơn 102 tỷ đồng. Khoản lỗ đậm trong quý II khiến mức lỗ từ đầu năm 2024 tăng lên hơn 172 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, chuỗi nhà thuốc này đã lỗ sau thuế gần 834 tỷ đồng.

Trong khi đó, chiều ngược lại, thành quả mà Long Châu nhận được lại khác. Long Châu về tay FPT Retail từ năm 2017 chỉ với 8 nhà thuốc tại TP HCM. Ngay sau đó, FPT Retail đã thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó công ty góp 75% vốn. Tháng 11/2019, công ty hoàn thành việc mở 70 cửa hàng Long Châu. Đến năm 2022, Long Châu đẩy mạnh quá trình mở cửa hàng khi mở mới 600 điểm bán trong một năm - vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu.

Trước đây, đơn vị dẫn đầu về số nhà thuốc hiện đại là Pharmacity. Thế nhưng, thời thế thay đổi, công ty ngoại này tỏ ra hụt hơi, hai lần thay tổng giám đốc.

Tính đến cuối tháng 6/2024, Long Châu có tới hơn 1.700 nhà thuốc, đứng đầu trong hệ thống chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại, còn Pharmacity rơi về thị trí thứ hai.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022 Long Châu ghi nhận doanh thu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc lãi 52 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với mức 5 tỷ đồng của năm 2021.

Sang năm 2023, Long Châu mở mới 560 cửa hàng và thành quả là đạt được doanh thu vọt lên 15.888 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm, Long Châu tiếp tục có thêm doanh thu hơn 11.520 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ), đóng góp tới 63% doanh thu của FPT Retail. Trung bình mỗi nhà thuốc đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng/tháng, trong bối cảnh nhiều nhà thuốc mới liên tục mở ra.

Long Châu cũng là chuỗi dược đầu tiên công bố đạt được lợi nhuận hoạt động, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành loay hoay tìm kiếm mức hòa vốn.

Trên thị trường, cả cổ phiếu FRT và MWG đều ghi nhận diễn biến hết sức tích cực nhờ dòng tiền ồ ạt chảy mạnh vào. Theo đó, 2 cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng lần lượt là 80% và 63% kể từ đầu năm đến nay.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn