Cụ thể, theo báo cáo quý III/2024 của Công ty CP Chứng khoán VNDirect (VND), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước đã ghi nhận 157 đợt phát hành thành công, với tổng giá trị đạt khoảng 160.140 tỷ đồng, tăng 29,8% so với quý trước và cao hơn 33,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VND, sự phục hồi của TPDN phần lớn đến từ lĩnh vực ngân hàng, chiếm 81% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý III. Ngược lại, nếu loại trừ lĩnh vực ngân hàng, giá trị phát hành giảm 14% so với quý trước và giảm 44,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, 153 đợt phát hành riêng lẻ chiếm 92% tổng giá trị, đạt 147.276 tỷ đồng, và 4 đợt phát hành ra công chúng đạt 12.864 tỷ đồng, chiếm 8%. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành đạt 312.280 tỷ đồng, tăng 64,8% so với cùng kỳ.

Phát hành riêng lẻ tiếp tục ấm lên trong quý III với giá trị tăng 21,9% so với quý II và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Phát hành công chúng cũng phục hồi mạnh mẽ, với tổng giá trị tăng hơn 5 lần so với quý trước.

Trái phiếu doanh nghiệp: Ngân hàng dẫn đà phục hồi

Lãi suất phát hành trung bình trong quý III là 6,94%, giảm so với 7,36% của quý II, do sự gia tăng phát hành từ các ngân hàng với lãi suất thấp hơn, thường dao động từ 5% đến 7,6%. Kỳ hạn phát hành trung bình cũng tăng lên 5,02 năm, so với 4,36 năm của quý trước.

Trong quý III, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt hơn 69.878 tỷ đồng, tăng 31,5% so với quý trước. Nhóm ngân hàng dẫn đầu trong hoạt động mua lại này, chiếm 84,4% tổng giá trị mua lại.

Thị trường cũng chứng kiến hoạt động gia hạn kỳ hạn trái phiếu sôi động, với hơn 100 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn, tổng giá trị trái phiếu được gia hạn lên tới hơn 156 nghìn tỷ đồng.

Trong quý III vừa qua, các ngân hàng đã chủ động mua lại trái phiếu có thời gian đáo hạn dưới 1 năm và phát hành thêm các trái phiếu dài hạn nhằm giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn và gia tăng tỷ lệ vốn huy động dài hạn.

Về triển vọng thị trường TPDN trong quý cuối cùng của năm này, theo VND, áp lực đáo hạn dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại sau khi hạ nhiệt nhẹ trong quý III/2024. Uớc tính, sẽ có khoảng 76.700 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, tăng 99,1% so với quý trước. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 35,8% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn, tiếp theo là nhóm sản xuất với 34,2%.

VND dự báo, trong quý IV này, khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu của các ngân hàng sẽ chuyển từ thời hạn trên 1 năm xuống dưới 1 năm. Do đó, các ngân hàng có khả năng tiếp tục phát hành thêm trái phiếu dài hạn để thay thế các trái phiếu sắp đáo hạn.

Về thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), trong quý III/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được 115.169 tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, đạt 76,8% kế hoạch quý. Tính chung 9 tháng năm 2024, KBNN đã huy động được 271.671 tỷ đồng, tương đương 67,9% kế hoạch huy động của năm 2024.

Trái phiếu doanh nghiệp: Ngân hàng dẫn đà phục hồi

Dự kiến, trong quý IV/2024, KBNN sẽ phát hành thêm gần 130.000 tỷ đồng TPCP để hoàn thành kế hoạch năm.

Lợi suất trái phiếu trúng thầu trong nửa đầu quý III/2024 tăng nhưng đã điều chỉnh giảm vào nửa cuối quý. Lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản so với cuối quý II, xuống còn 2,66%, trong khi lợi suất kỳ hạn 15 năm ổn định ở mức 2,88%.

Điều này chịu ảnh hưởng từ sự hạ nhiệt của chỉ số Dollar Index và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất, làm thu hẹp chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và TPCP Việt Nam, từ đó hỗ trợ thanh khoản và giúp mặt bằng lợi suất trái phiếu trong nước duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ.

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp trong quý III đạt hơn 764.029 tỷ đồng, trung bình hơn 11.937 tỷ đồng/phiên, tăng 5,7% so với quý trước và 95,3% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch outright chiếm 57,9% tổng giá trị, còn lại là giao dịch repo. Khối ngoại tiếp tục mua ròng với tổng giá trị mua ròng quý III là 321 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng 9 tháng đầu năm lên hơn 1.099 tỷ đồng./.