Trước khi bị bắt, ‘Shark’ Thủy từng đổi nợ lấy đất khi bán 75 lô đất đồng giá 300 triệu và 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại vùng ven Hà Nội, hàng trăm nhà đầu tư đã “xuống tiền”
Theo thông tin tại họp báo Bộ Công an sáng 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô (Người phát ngôn Bộ Công an) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup, thường được gọi là Shark Thủy), Đặng Văn Hiền (Trưởng ban quan hệ cổ đông Công ty EGame) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị những người mua cổ phần của công ty ông Thủy hiện còn dư nợ, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra.
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (được biết đến với tên gọi "Shark" Thuỷ) sinh năm 1982 tại Hà Nội. Ông từng theo học tại trường Đại học Mỏ Địa chất nhưng đã bảo lưu việc học ngay từ năm nhất. Ông Thuỷ là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Apax Holdings và CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup, các doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động chính là cung cấp các dịch vụ giáo dục, tư vấn du học, đầu tư tài chính, tư vấn tài chính, tư vấn xúc tiến thương mại...
Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông Thuỷ vướng vào những lùm xùm kéo dài, xuất phát từ việc mở rộng quá nhanh chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chi phí mặt bằng cao, các trung tâm mới đầu tư mất nhiều chi phí và chưa lấp đầy học sinh. Điều này dẫn đến Apax English gặp khó khăn về dòng tiền và lâm vào cảnh nợ tiền của phụ huynh học sinh.
Tại hội nghị gặp mặt cổ đông, nhà đầu tư vào đầu năm 2023, thông tin từ Tập đoàn Egroup cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc nợ theo hình thức hoán đổi nợ sang bất động sản nhằm giải quyết khó khăn trong thời điểm đó.
Đây cũng là một trong những phương án mà Egroup áp dụng theo đề xuất của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm tìm hướng giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh mất thanh khoản của nhiều doanh nghiệp.
Đối với tái cấu trúc nợ, Egroup thông tin đã làm việc với các đối tác và chọn ra hai dự án bất động sản với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất. Cụ thể, một dự án tại Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, đang có 75 lô đất, diện tích từ 100–194m 2 , giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng. Đất có sổ đỏ, gom đủ 10 sổ sang tên luôn.
“Sản phẩm này dành cho nhà đầu tư có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Hiện đã có một nhóm về xem thực địa, chốt 10 lô, chỉ còn lại 65 lô. Giá đổ đồng, ai vào sớm được lựa chọn những lô có diện tích lớn, có lợi hơn ”, bà Đinh Thị Phương Thêu – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Egroup chia sẻ vào thời điểm đó.
Một dự án bất động sản khác nữa gồm 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội. Dự án này áp dụng cho các nhà đầu tư có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng, vào thêm 6,5 tỷ đồng hoặc hơn tùy giá trị từng căn. Nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng của dự án này có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi. Khi đó đã có khách chốt 6 căn.
Khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Apax Leaders (một doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Egroup) cho biết, đã có hơn 300 nhà đầu tư đồng ý hoán đổi bất động sản. Hiện tại nhóm này đã lựa xong sản phẩm, trong đó có 100 lượt hoán đổi thành công. "Công ty đang làm việc với các đối tác để tiếp tục có những tài sản hoán đổi phù hợp và đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu cho đôi bên", ông nói thêm.
Xem thêm tại cafef.vn