Trường kỳ ngân hàng đua tăng vốn, thứ hạng liên tục thay đổi
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song giới phân tích đánh giá hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh cần duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp đang còn khó khăn, bởi vậy năm 2024, rất nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng tư nhân đang trỗi dậy?
Nhiều ngân hàng đang rục rịch kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Khi hoàn thành, mỗi nhà băng có thể tăng thêm hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.
Hôm 3/6 vừa qua, ACB đã hoàn tất phát hành gần 583 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, ACB sẽ trở thành nhà băng có vốn điều lệ gần 45.000 tỷ đồng, cao thứ 6 hệ thống và vượt cả "ông lớn" quốc doanh Agribank (40.963 tỷ đồng), chỉ đứng sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông ACB cũng sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6. Tổng số tiền ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của ACB chỉ đứng sau VPBank , BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB. |
Tuy nhiên, ACB có thể tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn thành kế hoạch tăng vốn theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, dự kiến quy mô vốn điều lệ của Agribank sẽ đạt 51.500 tỷ đồng trong năm nay, theo chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội XV thông qua.
Trong khi đó, Techcombank vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Sau khi hoàn thành kế hoạch, Techcombank sẽ nhảy vượt bậc lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng, chỉ đứng sau VPBank với vốn điều lệ 79.339 tỷ đồng.
Cuộc đua tăng vốn cũng nóng lên khi nhiều ngân hàng khác cũng đang rục rịch xin chấp thuận của cơ quan quản lý.
Cụ thể, MSB vừa đã công bố nghị quyết về việc triển khai tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 30 cổ phiếu mới) theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng thông qua trước đó.
Đồng thời, ban lãnh đạo MSB cũng đã đưa ý kiến về việc lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ có thể dùng để trả cổ tức với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu.
Tương tự, TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.400 tỷ, đạt tối đa 26.419 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ phụ thuộc vào quá trình phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong khi đó, SeABank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 24.957 tỷ đồng, thông qua đợt phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm 2023 cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh mức vốn điều lệ trên giấy phép hoạt động của SeABank từ 24.537 tỷ đồng lên 24.957 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm nay, nhà băng này dự kiến tiếp tục tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng theo các phương thức như phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ gần 14%, phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024, chào bán cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.
Phía sau nỗ lực tăng vốn của các nhà băng
Theo thống kê, năm nay có 23 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng, đánh dấu kế hoạch tăng “khủng” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu có thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn đặt ra cho năm 2024, bức tranh quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Có thể thấy, tốc độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất nhanh trong những năm gần đây, khi vốn điều lệ là một trong những năng lực cốt lõi phản ánh lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng.
Đặc biệt, từ 2020 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam trải qua hàng loạt cú sốc từ bên trong đến bên ngoài, đặc biệt là sản xuất đình trệ, khả năng trả nợ vay giảm mạnh, khối lượng nợ xấu toàn hệ thống hiện ngấp nghé 5%/tổng dư nợ. Bởi vậy, nỗ lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng nhằm củng cố năng lực tài chính để xử lý các rủi ro nợ xấu là dễ hiểu.
Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, mặc dù thu nhập phi lãi ngày càng tăng nhưng thu nhập từ lãi vẫn là kênh chủ đạo ở tất cả các ngân hàng. Do đó, việc tăng vốn còn có ý nghĩa vừa mở rộng quy mô tín dụng, vừa gia tăng thu nhập, vừa pha loãng tỷ lệ nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành ngân hàng trong khu vực như bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia là 18,5%. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III hay một phần của Basel III, nhưng không ít ngân hàng tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II. Do đó, tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính.
Theo dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2020 tăng thêm hơn 48.300 tỷ đồng, đến năm 2021 tăng tiếp 90.600 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022 và 2023 tăng lần lượt hơn 125.700 tỷ đồng và 125.900 tỷ đồng, tức mức tăng gấp hơn 2,5 lần mức tăng của năm 2020.
Theo đó, đến 31/12/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên mức hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với hơn 542.500 tỷ đồng, tương ứng chiếm 54%; nhóm ngân hàng thương mại nhà nước với gần 217.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 22%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 163.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 16%. Phần còn lại là các công ty tài chính, cho thuê tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng hợp tác xã.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn