TS. Cấn Văn Lực: Tỷ giá đã tăng 1,8% từ đầu năm nhưng không quá đáng ngại

Tại Hội thảo “Kinh tế hồi phục – Ngân hàng dẫn sóng và Triển vọng của thị trường” do CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, đã có nhận định rằng tỷ giá sẽ mất giá ở mức chấp nhận được.

Trong những tuần gần đây, nhiều tỷ giá tại ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đã lập đỉnh. Theo ông Lực, kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD.

Tỷ giá tại ngân hàng và thị trường chợ đen đã vượt đỉnh lịch sử của năm 2022. (Ảnh: WiChart).

Giải thích nguyên nhân vì sao tỷ giá tăng trở lại trong giai đoạn đầu năm 2024, ông Lực đã liệt kê ba lý do chính. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. 

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Hiện nay, thị trường tương lai đã lùi thời điểm Fed hạ lãi suất xuống tháng 6 hoặc lâu hơn, thay vì tháng 3 như cuối năm 2023. Đồng thời, chênh lệch lãi suất giữa USD - VND vẫn ở mức cao. 

Lý do thứ hai, theo chuyên gia Lực là việc một số doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Ngoài ra, lý do cuối cùng là hiện tượng đầu cơ. 

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết mặc dù tỷ giá tăng 1,8% từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn không quá lo ngại. Nguyên nhân là bởi từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giảm lãi suất, và nền kinh tế Mỹ bắt đầu ngấm đòn do tác động từ lãi suất cao. 

Trích dẫn dự báo của tập đoàn ING từ Hà Lan, từ nay đến cuối năm, các đồng tiền khác có thể tăng khi USD giảm giá, trong khi VND cơ bản ổn định dần hoặc có thể mất giá nhẹ. 

Theo ông Lực, nguyên nhân khiến VND mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm.

Xem thêm tại vietnambiz.vn