Từ tháng 9 nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ 100%, FTSE sẽ đánh giá tích cực?
Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chính thức công bố Dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2. Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.
SSI Research kỳ vọng Thông tư sẽ sớm được triển khai trong Quý 4 năm nay và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9 năm 2025.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ SSI Research dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến
dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Việc chuyển từ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp, hay nói cách khác đây là đạt dc mục tiêu phát triển cơ sở nhà đầu tư.
Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế, Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên.
Bản Dự thảo Thông tư đặt ra hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu được công ty chứng khoán xác định vào đầu ngày giao dịch, với giá trị là tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của công ty chứng khoán
nhưng không đươc vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu và dư nợ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Các khoản có khả năng chuyển đổi bằng tiền của công ty chứng khoán bao gồm tiền mặt tại quỹ; tiền gửi ngân hàng, công cụ nợ của Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi (chưa được sử dụng để đảm bảo các nghĩa vụ tài chính); tiền bán chứng khoán tự doanh chờ về; phải thu ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch và tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ứng trước để đảm bảo khả năng thanh toán. Công ty chứng khoán có thể sử dụng thêm hạn mức thấu chi khả dụng và hạn mức bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
SSI là công ty có nguồn vốn chủ sở hữu lớn nhất 23.667 tỷ đồng trong đó dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ 17.760 tỷ đồng, hạn mức 29.574 tỷ đồng; tiếp theo là TCBS vốn chủ sở hữu 24.136 tỷ đồng, dư nợ cho vay 20.656 tỷ đồng, hạn mức lên tới 27.616 tỷ đồng. Đứng thứ ba là VPBankS với vốn chủ sở hữu 16.640 tỷ đồng, dư nọ cho vay 8.226 tỷ đồng, hạn mức là 25.054 tỷ đồng. VnDirect vốn chủ sở hữu 16.896 tỷ đồng, dư nợ cho vay 10.766 tỷ đồng trong khi hạn mức lên tới 23.026 tỷ đồng.
Theo World Bank ước tính mới đây, nếu được MSCI và FTSE Russell nâng cấp thành thị trường mới nổi, nghĩa là dòng vốn ròng 5 tỷ đô la Mỹ sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, do danh mục của thị trường mới nổi toàn cầu được tái phân bổ sang Việt Nam sau khi được nâng cấp. Dòng tiền đổ vào có thể lên đến 25 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu những cải cách mạnh mẽ tiếp tục diễn ra và và môi trường đầu tư toàn cầu vẫn lành mạnh.
Xem thêm tại vneconomy.vn