Tuổi 40 của cao su Tây Nguyên: [Bài 1] Vững vàng trên vùng đất cao nguyên

Trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên từ 40 năm trước với sự xuất hiện của các thành viên VRG, đến nay, cây cao su đang vững vàng trên đất cao nguyên.

Chế biến mủ cao su ở Cao su Ea H'leo. Ảnh: Thanh Sơn.

Chế biến mủ cao su ở Cao su Ea H'leo. Ảnh: Thanh Sơn.

“Gà mẹ đẻ gà con”

Cây cao su đã có mặt ở Tây Nguyên từ khá lâu. Theo ghi chép trong một số tài liệu, cây cao su bắt đầu được người Pháp đem lên trồng ở Tây Nguyên cách đây hơn 100 năm. Đồn điền Đak Joppau (An Khê, Gia Lai), là một trong những đồn điền đầu tiên trồng cao su ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, diện tích cao su ở Tây Nguyên còn khá nhỏ, có thể nói là không đáng kể.

Những năm từ 1960 đến 1962, cây sao su từng được quan tâm phát triển tại một số vùng ở Tây Nguyên, nhưng sau đó lại ngừng do chiến tranh. Vì vậy, sau năm 1975, diện tích cao su ở Tây Nguyên chỉ vào khoảng vài nghìn ha, khá nhỏ bé so với diện tích cao su ở Đông Nam Bộ lúc bấy giờ.

Vận mệnh của cây cao su ở Tây Nguyên chỉ thực sự thay đổi khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) ban hành Nghị quyết V và Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 40/CT-HĐBT ngày 04/05/1983 về việc chuyển hướng phát triển cao su từ miền Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, với mục tiêu chiến lược là xây dựng kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân tại chỗ, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đất mà trước đây từng là chiến trường ác liệt với bao hậu quả chiến tranh để lại.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG), đã giao cho các công ty cao su ở Đông Nam bộ cử cán bộ lên Tây Nguyên để hình thành bộ khung cho việc thành lập các công ty cao su ở khu vực này. Với chủ trương đó, Cao su Chư Sê được hình thành từ đoàn cán bộ, công nhân gồm 19 người của Cao su Dầu Tiếng, trưởng đoàn là ông Hồ Văn Ngừng - người sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Còn tại Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, theo lời kể của ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Cao su Ea H’leo, công ty được hình thành từ bộ khung ban đầu là 39 cán bộ của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, do ông Doãn Xuân Hòa làm trưởng đoàn.

Cách làm này được ví von là “gà mẹ đẻ gà con” và đã giúp cho hàng loạt công ty cao su ở Tây Nguyên được ra đời trong năm 1984 như Cao su Krông Buk, Cao su Ea H’leo, Cao su Mang Yang, Cao su Chư Sê, Cao su Kon Tum.

Một sản phẩm mủ cao su của Cao su Kon Tum. Ảnh: Thanh Sơn.

Một sản phẩm mủ cao su của Cao su Kon Tum. Ảnh: Thanh Sơn.

Có thể nói, sự ra đời của hàng loạt công ty thành viên VRG vào năm 1984 đã chính thức đưa cây sao su ở Tây Nguyên bước sang một trang mới khi trở thành một cây trồng chủ lực trên vùng đất cao nguyên. Cũng từ đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã từ bỏ tập quán du canh du cư sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân ở các nông trường cao su, bắt đầu một cuộc “an cư lạc nghiệp“ lâu dài ngay trên mảnh đất quê hương.

Ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Cao su Ea H’leo, là một trong những người đầu tiên tham gia làm việc ở công ty từ 40 năm trước. Khi ấy, ông Lực còn rất trẻ, nhưng nhờ biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, ông được tuyển vào công ty làm phiên dịch. 40 năm qua, ông Lực vẫn luôn miệt mài đi về qua những vườn cao su của Ea H’leo. Và ở thời điểm này, ông là một trong số rất ít những cán bộ tham gia làm cao su Tây Nguyên từ 40 năm trước mà hiện vẫn còn công tác.

Vững vàng ở tuổi 40

Sau 40 năm hình thành và phát triển, đến nay, hầu hết các công ty cao su là thành viên của VRG ở Tây Nguyên đều đã vững vàng, là trụ cột về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn đứng chân.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cao su Ea H’leo, cho biết, từ năm 2010 đến nay, nhờ chuyển đổi mạnh mẽ về mô hình quản lý theo hướng nâng cao tính tự chủ, những năm qua, công ty đã xây dựng đề án đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, triển khai xây dựng quy chế làm việc cho từng lĩnh vực cụ thể; tiếp tục khoán sản lượng, tăng cường công tác kiểm tra quản lý bộ máy của các cấp, hàng năm áp dụng thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý theo chất lượng ISO 9001-2015; đầu tư thâm canh vườn cây, kết hợp triệt để tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu cải tạo đất, cơ cấu lại vườn cây hợp lý, đổi mới bộ giống có năng suất cao, hợp thổ nhưỡng thay thế dần vườn cây năng suất thấp; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng... Nhờ đó, năng suất vườn cây ngày càng gia tăng, liên tục nhiều năm liền công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác mủ được giao.

Trong 5 năm trở lại đây, hàng năm, Cao su Ea H’leo đều vượt kế hoạch VRG giao. Đặc biệt, 3 năm qua, sản lượng mủ cao su hàng năm của công ty luôn vượt từ 14 - 25% kế hoạch năm, về đích trước thời gian 45 - 56 ngày. Công ty đã duy trì 3 năm liên tiếp là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn. 5 năm qua, tổng sản lượng mủ của Cao su Ea H’leo là gần 33 nghìn tấn, tổng doanh thu gần 1.500 tỷ đồng.

Cao su Kon Tum đang là đơn vị duy nhất trong khu vực Tây Nguyên và toàn ngành cao su 12 năm liền hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều năm liên tục kinh doanh có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Năm 2023, công ty tiêu thụ gần 11 nghìn tấn mủ cao su với tổng doanh thu 452 tỷ đồng, tổng lợi nhuận gần 103 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng/tháng.

Ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng Giám đốc Cao su Kon Tum, lý giải, có được thành tích ấy, một trong những nguyên nhân quan trọng là công ty luôn đi đầu trong công tác ứng dụng khoa học và có nhiều giải pháp mang tính đột phá vượt bậc để tăng năng suất, sản lượng mủ khai thác hàng năm đúng với năng lực.

Một vườn cao su của Cao su Chư Sê. Ảnh: Thanh Sơn.

Một vườn cao su của Cao su Chư Sê. Ảnh: Thanh Sơn.

Với Cao su Chư Sê, từ năm 2015 đến nay, công ty đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức do có nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nông nghiệp, thu nhập người lao động: như vườn cây đang vào chu kỳ thanh lý tái canh, năng suất, sản lượng thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn, giá bán mủ thấp; khí hậu thời tiết biến đổi khó lường ...

Trước tình hình đó, theo chia sẻ của ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Cao su Chư Sê, ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục, từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội hàng năm Tập đoàn giao.

Những thành tích vượt bậc trong 40 năm qua (được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000) vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là nguồn động lực quan trọng bên cạnh tiềm lực về con người, vườn cây... để Cao su Chư Sê tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển bền vững, ổn định hơn trong thời gian tới.

https://nongnghiep.vn/tuoi-40-cua-cao-su-tay-nguyen-bai-1-vung-vang-tren-vung-dat-cao-nguyen-d412088.html

Xem thêm tại vnrubbergroup.com