Tỷ giá biến động và nỗ lực vượt qua những ‘con sóng’
Tỷ giá biến động và chính sách linh hoạt của NHNN
2024 là một năm biến động mạnh của tỷ giá VND/USD khiến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn được duy trì ổn định trong năm qua.
Trong năm 2024, tỷ giá đảo chiều liên tục và ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Diễn biến như tàu lượn của tỷ giá VND/USD trong năm 2024 làm nhà điều hành và doanh nghiệp không ít lần thót tim.
Tỷ giá đột ngột tăng mạnh vào tháng 4 và kéo dài đến tháng 6, trong bối cảnh một loạt dữ liệu về lạm phát và kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến đã khiến thị trường điều chỉnh kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên. Chỉ số DXY lên 105-106 điểm và kéo theo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vọt tăng gần 5% so với đầu năm.
Chỉ trong 2 tháng 4 và 5, VND đã mất giá tới hơn 3%. Lần đầu tiên, giá USD trên thị trường tự do vượt mốc 26.000 đồng/USD (vào cuối tháng 6/2024).
Trong bối cảnh đó, vào ngày 19/4, NHNN đã công bố bán ngoại tệ giao ngay với mức giá 25.450 đồng/USD; tổ chức đấu thầu vàng từ ngày 22/4 nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đồng thời phát hành tín phiếu hút tiền về, bán dự trữ ngoại hối… Đến khoảng cuối tháng 7, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt và NHNN không còn phải mạnh tay bán USD.
Bước sang đầu quý III, tỷ giá đảo chiều trở về mức “đáy” của quý I, trong bối cảnh chỉ số DXY đã giảm về dưới 100 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Nhưng từ cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND lại tăng vọt khi chỉ số DXY phục hồi. Đồng USD mạnh lên do một loạt báo cáo, cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn kỳ vọng.
Chỉ số DXY đã vọt tăng lên 108 điểm, mức cao nhất từ tháng 11/2022 sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử, kéo theo một đợt tăng cao của tỷ giá.
Những ngày cuối tháng 12, tỷ giá VND/USD một lần nữa nổi sóng và đặc biệt biến động mạnh trong 2 tuần cuối năm. Cả tỷ giá trung tâm lẫn tỷ giá bán ra ngân hàng lại vượt kỷ lục cũ.
Ngày 30/12, tỷ giá trung tâm tại NHNN tăng lên 24.327 đồng/USD, mức cao nhất kể từ khi áp dụng tỷ giá này từ đầu năm 2016. Giá USD bán ra ở các ngân hàng thương mại là 25.543 đồng/USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trước tình hình này, NHNN đã phải can thiệp mạnh bằng cách bán ra dự trữ ngoại hối, đồng thời triển khai các công cụ điều tiết thanh khoản như phát hành tín phiếu và qua kênh hoạt động thị trường mở (OMO) ở mức lãi suất 4%/năm, nhằm giữ trạng thái chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ ở mức quanh 0.
Nhờ sự điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá mà thị trường ngoại tệ được duy trì ổn định, tâm lý thị trường được bình ổn, thanh khoản ngoại tệ thông suốt; tỷ giá diễn biến linh hoạt; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN đã giúp tỷ giá không chịu các cú sốc lớn.
Tính tới cuối tháng 12/2024, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 4,5%, nhẹ hơn mức tăng của chỉ số USD Index (tăng 5,4%). So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong các quốc gia có đồng nội tệ ổn định nhất.
Trong báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tỷ giá USD /VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong quý II và quý IV.
So với đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, còn tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD.
VDSC cho biết, để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Tính chung cả năm 2024, NHNN đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD.
Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, NHNN cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao như giai đoạn tháng 5-6/2024 hay tháng 10 và tháng 12/2024.
Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Còn trong báo cáo nhận định tình hình tổng quan Việt Nam trong năm 2024 và dự báo 2025, Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu từ Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng NHNN đã phải sử dụng các công cụ điều hành thanh khoản để ổn định tỷ giá và duy trì mục tiêu tăng trưởng.
Xu hướng điều hành tỷ giá năm 2025?
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia, diễn biến tỷ giá năm 2024 có nhiều biến động hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nền kinh tế Mỹ phục hồi tương đối mạnh, kéo theo đồng USD tăng lên và khiến các đồng tiền khác mất giá.
Nhưng nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn được duy trì ổn định.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, năm 2024, NHNN đã điều hành tỷ giá khá tốt, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. “Thời gian qua, NHNN đã điều hành khá hài hòa bài toán lãi suất - tỷ giá để vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng”, ông Khánh nhận xét.
Sang năm 2025, tỷ giá được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, tương tự như đã xảy ra trong năm 2024 do những tác động từ các chính sách phi truyền thống của Tổng thống Donald Trump và bộ đệm dự trữ ngoại hối mỏng trong nước.
Giới chuyên gia nhận định, trong năm NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều khả năng, NHNN sẽ phải thực hiện nhiều điều chỉnh lớn trong tỷ giá và lãi suất nhằm duy trì trạng thái cân bằng vĩ mô.
Theo HSBC, tỷ giá vẫn tiếp tục biến động khó lường, không thể đưa ra kịch bản rõ nét trong thời gian tới. Để đạt các mục tiêu tăng trưởng, HSBC cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất điều hành ở mức 4,5%.
Trong báo cáo triển vọng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng vẫn có những áp lực nhất định lên tỷ giá trong năm 2025. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Trong đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.
Trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
VCBS cũng lưu ý rằng áp lực tỷ giá, nếu có, có thể khiến nhà điều hành sử dụng các công cụ điều tiết linh hoạt theo từng bước.
Trong khi đó, Chứng khoán VPBankS nhận định, thời gian tới, tỷ giá VND/USD dự kiến duy trì ổn định và không có biến động nhờ vào các yếu tổ kinh tế tích cực và chính sách điều hành linh hoạt của NHNN. Song vẫn cần tiếp tục theo dõi sát các rủi ro tiềm ẩn từ thị trường quốc tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây cho hay, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ. Còn với lãi suất, NHNN sẽ cân nhắc bởi nếu giảm lãi suất quá sâu sẽ tác động làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn