Đua Top sinh lời: Đâu là ứng viên quán quân ROE ngành ngân hàng 2025?

Năm 2025, ĐHĐCĐ ngành ngân hàng diễn ra giữa bối cảnh hệ thống tài chính đối mặt với thách thức và cơ hội đan xen. Mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt, cầu tín dụng phục hồi nhẹ, nhưng áp lực giữ ổn định tỷ giá, hỗ trợ doanh nghiệp và thích ứng với các chính sách thương mại quốc tế tiếp tục đặt ngành vào bài toán cân đối lợi ích giữa tăng trưởng và an toàn vốn.

Dù vậy, nhiều ngân hàng coi đây là cơ hội để khẳng định năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả vận hành thông qua chỉ số sinh lời như ROE và ROA. Việc duy trì hiệu suất sử dụng vốn và tài sản ở mức cao giúp ngân hàng tăng trưởng theo hướng bền vững và đảm bảo khả năng sinh lợi ổn định cho cổ đông – tạo dư địa tài chính để mở rộng hoạt động trong những chu kỳ kế tiếp.

ROE đạt 25,71%, HDBank dẫn đầu ngành năm 2024

Thống kê từ báo cáo tài chính cho thấy, mặt bằng ROE toàn ngành năm 2024 đang có xu hướng phục hồi nhẹ, đạt khoảng 15–16%. Trong đó, nhiều ngân hàng tư nhân nổi bật với mức ROE trên 20%, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn tốt và mô hình vận hành linh hoạt.

HDBank là một trong những ngân hàng duy trì hiệu suất sinh lời ổn định, bền vững nhất. Năm 2024, ngân hàng ghi nhận ROE 25,71% – dẫn đầu ngành, cùng ROA 2,04%, thuộc Top 5. Từ 2021 đến 2024, HDBank luôn đạt ROE trên 23%, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) khoảng 27,5%/năm.

Đua Top sinh lời: Đâu là ứng viên quán quân ROE ngành ngân hàng 2025?

Động lực chính của HDBank đến từ việc đẩy mạnh số hóa toàn diện trong vận hành và quản trị. Ngân hàng đầu tư mạnh vào nền tảng Digital Core Banking, áp dụng eKYC, AI, Big Data... giúp 97% giao dịch cá nhân được thực hiện qua kênh số.

Không chỉ có HDBank, nhiều ngân hàng khác cũng đang ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ chiến lược tối ưu hóa hiệu suất vận hành. LPBank, sau quá trình tái cấu trúc, đã bứt phá ngoạn mục với ROE 25,1%, cho thấy sự trở lại mạnh mẽ và tiềm năng phát triển dài hạn. MB tiếp tục khẳng định vị thế ổn định khi duy trì ROE 21,47% và ROA 2,31% – thành quả từ việc xây dựng hệ sinh thái khách hàng hiệu quả, đặc biệt là phân khúc quân đội và bảo hiểm.

ACB, với mô hình quản trị tập trung và kiểm soát rủi ro tốt, vẫn giữ ROE quanh 21–22%, ROA hơn 2% – thể hiện sự ổn định cao trong vận hành, dù không theo đuổi tăng trưởng đột biến. Techcombank, một trong những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, dẫn đầu về ROA với 2,38% – nhờ tập trung mạnh vào năng lực chuyển đổi số và danh mục tài sản hiệu quả.

Ngay cả nhóm ngân hàng quốc doanh – dù ROE thấp hơn do đặc thù hoạt động – vẫn thể hiện vai trò trụ cột ổn định. Vietcombank ghi nhận ROE gần 18%, ROA trên 1,4%, giữ vững vị thế top đầu về quản trị chất lượng tín dụng và năng lực sinh lời ổn định trong khối Big 4. BIDV và VietinBank cũng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2024, với định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế và đầu tư công.

Hiệu suất sinh lời - Động lực đưa ngân hàng tăng trưởng bền vững

Thống kê từ BCTC năm 2024 cho thấy, các ngân hàng duy trì ROE từ 20% trở lên trong nhiều năm thường cũng là những tổ chức có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, khả năng kiểm soát chi phí vốn hiệu quả và tiềm lực tài chính đủ mạnh để thực hiện các chiến lược dài hạn.

Chẳng hạn như MB – năm 2024 ngân hàng ghi nhận ROE đạt 21,47%, ROA ở mức 2,31%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 của ngân hàng này lên tới 28.300 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 9% so với năm 2024. ROA kế hoạch xấp xỉ 2%, ROE dự kiến đạt 20-22%.

Bên cạnh MB, HDBank cũng duy trì lợi nhuận ổn định. Với ROE duy trì trên 23% trong giai đoạn 2021–2024 và ROA trên 2%, nhà băng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) ổn định và bền vững, đạt 27,5%/năm.

Năm 2024, HDBank báo lãi trước thuế hợp nhất 16.731 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng. Năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tham vọng với kế hoạch lợi nhuận đạt 21.179 tỷ đồng (+27%), song song với duy trì ROE trên 25%.

Đua Top sinh lời: Đâu là ứng viên quán quân ROE ngành ngân hàng 2025?

Hiệu suất sinh lời cao giúp ngân hàng vừa mở rộng hoạt động, vừa chia sẻ lợi nhuận với cổ đông một cách rõ ràng. Trong ba năm gần nhất, HDBank duy trì chính sách cổ tức trên 25%/năm. Cụ thể, năm 2023 chia 30%, gồm 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu; năm 2022 và 2021 cùng chia 25%, trong đó 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

Ngoài ra, ACB tiếp tục giữ phong độ ổn định, với ROE xoay quanh 21–22% và ROA xấp xỉ 2%. Năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. ACB đặt mục tiêu duy ROE tối thiểu 20% như trong 5 năm vừa qua.

SeABank đặt mục tiêu ROE năm 2025 đạt 13,8%, cùng lợi nhuận trước thuế khoảng 6.458 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2024. VietBank, sau khi trải qua giai đoạn tái cơ cấu, cũng đặt kỳ vọng ROE đạt 13,5%, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên tới 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước. Ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng 20% và giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%, đồng thời chuẩn bị các bước niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn