Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh tư liệu |
Đề xuất đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh
Liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (Liên danh Tư vấn TRICC - TEDI) vừa hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Theo đó, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được lập cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là đường sắt cấp I, khổ 1.435mm, điện khí hóa ngắn hạn là đường đơn, dài hạn là đường đôi.
Nhiều giải pháp khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ tàu hàngNgành Đường sắt thực hiện nhiều giải pháp khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ tàu hàng, đưa doanh thu tăng trưởng cao, thúc đẩy khai thác tàu chuyên tuyến, doanh thu tăng trưởng. Hiện Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đang tổ chức chạy các đôi tàu hàng chuyên tuyến giữa Yên Viên - Sóng Thần. Đây là các mác tàu hàng nhanh, hành trình chỉ hơn 40 giờ; hàng hóa được đóng trong các container, niêm phong kẹp chì. Tàu doanh thu cao, bình quân khoảng 270 triệu đồng đến 280 triệu đồng/chuyến, tương đương 540 triệu đồng đến 560 triệu đồng/vòng quay, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để khách hàng tin tưởng, tiếp tục chọn vận chuyển bằng đường sắt. |
Tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai và điểm cuối là ga Hạ Long. Tổng chiều dài tuyến khoảng 427km bao gồm 41 ga trên tuyến. Tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong vận chuyển hàng hóa, các ga được kết nối vào khu vực cảng biển được xác định là cầu nối giao thông - nơi tập trung, giao lưu của tất cả các phương tiện vận tải. Cùng với đó, quy hoạch các tuyến đường sắt để kết nối hệ thống cảng cạn và cảng biển, từ đó kết nối các phương thức vận tải thành một thể thống nhất phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng container.
Trên cơ sở phương án quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư tuyến đường sắt này dự kiến 179.126 tỷ đồng, lộ trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên: Đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đối với đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo đề xuất, về huy động vốn, cần ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch. Sử dụng vốn vay ưu đãi, đây là nguồn lực mang tính đột phá trong lĩnh vực đường sắt cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, miền.
Với nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tham gia đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải như kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ... Cùng với đó cần lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt. Cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển và huy động nguồn lực đầu tư ngay từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai trước.
Các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển
Bên cạnh đó, tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển. Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.
Trên cơ sở đó, quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt gồm: thiết bị thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe, ray, phụ kiện liên kết ray và thiết bị có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt rất ít. Do đó dây chuyền công nghệ sản xuất chủ yếu do các doanh nghiệp công nghiệp đường sắt tự đầu tư nên còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp như: sản xuất tà vẹt, lắp ráp đầu máy, sản xuất khung vỏ toa xe...
Trong khi, theo quy định hiện nay, việc đầu tư các dự án đường sắt phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp của Việt Nam khó có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng trang thiết bị đường sắt, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp đường sắt hiện đại do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài đã có sẵn công nghệ và kinh nghiệm.
Chính vì vậy, để từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện, phương tiện đường sắt, cần thiết có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được Nhà nước đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt./.