Vàng trắng thắng lớn nhờ ... ô tô điện

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ô tô điện đã giúp gia tăng tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm cao su như săm lốp.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ đạt mức trên 3 tỉ USD, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su trên thị trường thế giới. Giá trị xuất khẩu cao su dự kiến dao động từ 3,2 – 3,5 tỉ USD, tăng từ mức khoảng 2,9 tỉ USD vào năm 2023.

Điều này có được nhờ giá cao su tăng nhanh do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu gia tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, và Mỹ.

Tăng tốc theo ô tô điện

Khi nhìn thấy bản thống kê doanh số ô tô điện Trung Quốc đã vượt mặt những hãng lớn trên thế giới, ông Trần Hoàng Giang, Phó Tổng giám đốc một công ty cao su lớn ở khu vực Đông Nam Bộ không giấu được sự vui mừng. “Sự tăng trưởng mạnh mẽ ô tô điện đã giúp gia tăng tỉ lệ tiêu thụ sản phẩm cao su. Đà tăng của giá cao su tiếp tục được hỗ trợ nhờ các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dần khởi sắc, giúp giảm tồn kho cao su.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện, cũng tác động tích cực lên tổng cầu cao su” – ông Giang nói.

Theo Bloomberg, trong báo cáo tài chính quý III-2024, hãng ô tô điện Trung Quốc BYD đã báo cáo doanh số tăng mạnh mẽ, thậm chí vượt qua cả đối thủ mạnh là Tesla tại thị trường nội địa lẫn quốc tế.


Cụ thể, BYD đạt doanh thu là 28,3 tỉ USD, trong khi hãng ô tô điện đến từ Mỹ, Tesla chỉ đạt mức 25,2 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe trên thế giới đã và đang đẩy mạnh sản xuất ô tô điện, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang dịch chuyển từ xe xăng sang ô tô điện.

Ô tô điện thường xuyên phải thay lốp xe nhiều hơn so với xe xăng nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao su tăng mạnh. Ảnh: QH

Theo ông Giang, nếu ô tô điện tiếp tục được tiêu thụ mạnh thì ngành cao su càng có nhiều cơ hội tăng trưởng. Vì ô tô điện thường xuyên phải thay lốp xe nhiều hơn so với xe xăng.

Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhận định, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn của Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu phục vụ cho ngành săm lốp nước này. Hiện ngành săm lốp Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng ô tô sản xuất toàn cầu.

Tháng 10 vừa qua, giá mủ cao su có lúc đạt đỉnh điểm 3.000 USD/tấn, tương đương 76 triệu đồng/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su bình quân từ hơn 40-60 triệu đồng/tấn. Với mức giá này, các công ty cao su Việt Nam đang thắng lớn. Điều này hoàn toàn trái ngược trong năm 2023 khi giá mủ cao su khá thấp có lúc chạm mức giá thành.

Tính chung 3 quý đầu năm 2024, Công ty cao su Tây Ninh (TRC) đạt lợi nhuận sau thuế là 114 tỉ đồng, mức tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2023 (lợi nhuận chỉ 24 tỉ đồng). Đây cũng là mức lãi cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TRC cho biết, lợi nhuận tăng mạnh vì giá bán mủ cao su tăng. Nếu nhìn về giá thành khai thác mủ cao su TRC chỉ vào mức 30 triệu đồng tấn thì rõ ràng với giá thị trường đang gần gấp đôi giá thành thì công ty có lãi ròng cao không quá khó hiểu. Ngoài ra, nhờ hiệu quả kinh doanh tốt, cổ phiếu TRC đã tăng trưởng 54% suốt gần 1 năm qua.

Nhu cầu tăng giúp giá "vàng trắng" tăng trở lại, nhiều công ty cao su hưởng lợi. Ảnh: MP

Tương tự, Công ty cao su Đồng Phú (DPR) cũng cán đích ba quý đầu năm 2024 với mức lãi ròng gần 170 tỉ đồng. Nguyên nhân cũng đến từ việc giá bán mủ cao su năm 2024 đang rất tốt. DPR cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ tốt trong năm tới nhờ vào giá mủ cao su được dự báo vẫn còn cao.

Một ông lớn khác trong ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), có mã cổ phiếu là GVR cũng đang tận hưởng mức lợi nhuận rất cao nhờ vào cú tăng tốc bất ngờ của giá mủ cao su trong năm 2024. Lợi nhuận quý III-2024 của VRG đã vượt mức hơn 1.100 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ (493,61 tỉ đồng).

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG cho biết, do giá bán mủ cao su cao hơn so với cùng kỳ năm trước làm lợi nhuận sản xuất kinh doanh mủ cao su tăng lên.

Chủ động thích ứng vượt trở ngại

Mặc dù cao su đang dần quay trở lại thời kỳ hoàng kim nhưng vẫn còn nhiều rào cản phía trước khiến nhiều công ty cao tìm lối đi riêng để nắm bắt cơ hội kinh doanh. Báo cáo Công ty chứng khoán SBS nhận định, trong thời gian tới vẫn có rủi ro khiến giá cao su quay đầu giảm. Đó là việc kinh tế thế giới suy thoái khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, hay giá dầu giảm dẫn đến giá cao su giảm theo.

Vì thế, bên cạnh ngành kinh doanh cốt lõi, các ông lớn trong ngành cao su đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang nhiều lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để gia tăng biên lợi nhuận.

Nguồn cung cao su của thế giới đang thiếu hụt. Ảnh: MP

Với lợi thế về diện tích đất, các công ty cao su nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trồng quy mô lớn thêm nhiều loại cây như chuối cấy mô, mít, sầu riêng là giá trị tăng thêm bên ngành kinh doanh cốt lõi khai thác mủ cao su. Các dự án này đang đem lại thu nhập gần 15 triệu đồng/ha tại nhiều công ty cao su.

Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG, lợi nhuận từ việc trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác cao hơn so với cao su từ 3-6 lần. Điều này đã góp phần giải quyết các khó khăn trong việc đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giúp giải quyết khó khăn trong giai đoạn giá mủ xuống thấp, tái đầu tư cho vườn cây cao su hạn chế, đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Trong tham vọng khác, VRG đang xây dựng mô hình canh tác trồng bắp lấy hạt và sinh khối và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi (bắp sinh khối, ủ chua) giữa VRG với các trang trại chăn nuôi lớn tại Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ đạt mức trên 3 tỉ USD, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su trên thị trường thế giới. Ảnh: PM

Tiến sĩ Stanley Yap, Đại học RMIT cho biết, ngành cao su cần phải đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất và thương mại toàn cầu. Một thách thức đáng kể là quy định mới có tên gọi là “Quy định chống phá rừng” của Liên minh châu Âu (EUDR), được Liên minh châu Âu (EU) ban hành vào ngày 31-5-2023 và sẽ áp dụng cho hầu hết công ty nông nghiệp bắt đầu từ ngày 30-12-2024. Các công ty này phải chứng minh rằng sản phẩm của họ không liên quan đến nạn phá rừng và không liên quan đến bất kỳ hành vi suy thoái rừng, khai thác bất hợp pháp hoặc buôn bán nào.

Mặc dù EUDR mang đến nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu, nhưng Tiến sĩ Stanley Yap cũng cho rằng đây vừa là cơ hội để tái trúc ngành cao su Việt Nam theo hướng minh bạch, bền vững hơn. Ngành cao su cần nỗ lực thích ứng với quy định này không chỉ nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi nền sản xuất hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Cơ hội bán tín chỉ carbon từ cây cao su

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SBS, bình quân lượng carbon tích lũy hàng năm cao nhất vẫn là đồn điền cao su, với tổng diện tích rộng lớn rừng cao su hiện nay không chỉ đem lại giá trị kinh tế từ mủ cao su, gỗ cao su mà ngành cao su ở Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Với diện tích khoảng 910.000 ha rừng cao su ở Việt Nam, lượng carbon tích lũy hàng năm ước tính dao động từ 22,75 triệu tấn đến 27,3 triệu tấn CO2. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon từ các đồn điền cao su tại Việt Nam.

https://plo.vn/vang-trang-thang-lon-nho-o-to-dien-post820960.html

Xem thêm tại vnrubbergroup.com