Được biết, không chỉ cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam bật tăng trong phiên ngày 8/8 mà còn những cổ phiếu trong ngành Dệt may khác như TCM, TNG, MSH. Theo đó, cổ phiếu ngành dệt may ngập tràn sắc xanh trong bối cảnh bạo lực lan rộng tại Bangladesh, ngành công nghiệp may mặc - trụ cột kinh tế của quốc gia Nam Á này - đang chìm trong khủng hoảng.

Về tình hình kinh doanh của VGT, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, VGT ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.127 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do nửa đầu năm nay, ngành dệt may nói chung đã có dấu hiệu phục hồi tích cực nhờ các đơn hàng truyền thống quay trở lại.

VGT: Cổ phiếu tăng mạnh, nâng tổng giá trị giao dịch lên gấp gần 4 lần
Kết quả kinh doanh khởi sắc của VGT trong quý II vừa qua. Ảnh: VGT.

Doanh thu khởi sắc, nhưng giá vốn hàng bán không vì thế tăng theo, ngược lại còn giảm nhẹ 1,4% giúp cho lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 478 tỷ đồng, tăng mạnh 153,5% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 11,6% trong quý II/2024.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 18,4%, chỉ còn hơn 66 tỷ đồng, do lãi từ tiền gửi, cho vay và cổ tức được chia đều giảm sút. Ngược lại, dù chi phí lãi vay giảm mạnh 43,9%, chỉ còn gần 56 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính của VGT lại tăng 14,2%. Nguyên nhân chính là do lỗ chênh lệch tỷ giá khi VGT phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài trong bối cảnh tỷ giá vẫn ở mức cao.

VGT: Cổ phiếu tăng mạnh, nâng tổng giá trị giao dịch lên gấp gần 4 lần
Diễn biến cổ phiếu VGT trong 3 tháng trở lại đây. Ảnh: SSI.

Sau khi trừ các chi phí, VGT mang về gần 132 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024, tăng 228,7% so với cùng kỳ.

Lý giải về lợi nhuận tăng cao trong quý II, VGT cho biết, 6 tháng đầu năm nay, ngành Dệt may đã có dấu hiệu phục hồi khá tích cực. Hiệu quả ngành may tương đối tốt do lượng đơn hàng nhiều, các doanh nghiệp bố trí sản xuất tốt, mặc dù đơn giá còn thấp, đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Ngành sợi giảm lỗ mạnh so với cùng kỳ, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cầu thấp, giá bông biến động khó lường.

Tài sản dở dang của VGT đã có sự gia tăng đáng kể, tăng 27,1% so với đầu năm, chủ yếu do các khoản đầu tư vào dự án 39-41 Võ Văn Kiệt, nhà máy sản xuất vải chống cháy, và các dự án chuyển đổi xanh. Đáng chú ý, Vinatex đã hợp tác với Tập đoàn Coats từ Vương quốc Anh, ký kết biên bản ghi nhớ để phát triển các loại trang phục từ vải chống cháy sử dụng công nghệ độc quyền của Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên là đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy trị giá 5 triệu USD.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần ghi nhận gần 8.084 tỷ đồng đạt 45,2% mục tiêu doanh thu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 283 tỷ đồng, hoàn thành 51,5% kế hoạch kinh doanh cả năm

Tính đến ngày 30/6/2024, VGT ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ 0,8%, còn gần 18.923 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận tăng nhẹ lần lượt 8% và 6,2%. Hàng tồn kho tăng nhẹ 6,5% trong khi khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ 6,1% so với thời điểm đầu năm.

Tại bảng cân đối kế toán, VGT ghi nhận vốn chủ sở hữu giảm nhẹ 2,5%, còn hơn 8.892 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn giảm khá 38,5%.

Nợ phải trả tăng nhẹ so với thời đầu năm, trong đó phải trả người bán ngắn hạn tăng 17,6%. Ở chiều ngược lại, các khoản vay nợ thuê tài chính ngắn/dài hạn ghi nhận giảm nhẹ./.

Tháng 5/2024, VGT đã chính thức thông qua kế hoạch thoái vốn tại 8 đơn vị thành viên, trong đó có Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Tân Châu, Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Dệt may (VTI), Công ty CP Vinatex Đà Nẵng (VDN), Công ty CP Dệt lụa Nam Định, Công ty CP May Nam Định, Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (MDN), Công ty CP May Bình Minh (BMG), và Tổng Công ty Nhà Bè - CTCP (MNB).

Đáng chú ý, VGT quyết định bán toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty CP May Bình Minh (BMG). Hiện tại, VGT sở hữu 1.323.000 cổ phiếu BMG, chiếm 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Dự kiến, số cổ phiếu này sẽ được chào bán ra công chúng ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ phát hành.

Theo kế hoạch, 1,3 triệu cổ phiếu BMG sẽ được bán đấu giá công khai với giá khởi điểm 43.700 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi so với giá thị trường hiện tại của cổ phiếu May Bình Minh, khoảng 20.300 đồng. Thương vụ này dự kiến mang về cho Vinatex khoảng 58 tỷ đồng.