Vì sao gần 6.000 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel, F88 được hoạt động như 'cây ATM'?

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang tích cực triển khai mô hình đại lý thanh toán (agent banking) thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ với hàng nghìn chi nhanh trên toàn quốc. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa mô hình bán lẻ và dịch vụ tài chính, tạo bước đột phá trong việc mở rộng mạng lưới và tăng cường tiện ích cho khách hàng.

Thông tư 07/2024/TT-NHNN về đại lý thanh toán: Cơ sở pháp lý quan trọng

Việc triển khai mô hình đại lý thanh toán được thực hiện trên cơ sở tuân thủ Thông tư số 07/2024/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo Thông tư, tại các điểm bán lẻ, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch nộp, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán… tương tự như tại một chi nhánh ngân hàng.

Thông tư quy định, bên giao đại lý thanh toán (ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có thể ủy quyền cho bên đại lý thực hiện một phần quy trình mở tài khoản, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng các dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Bên đại lý được phép thực hiện các nghiệp vụ như nhận hồ sơ mở tài khoản, phát hành thẻ, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán, nộp hoặc rút tiền mặt theo yêu cầu của khách hàng.

Hạn mức giao dịch đối với khách hàng cá nhân được quy định tối đa 20 triệu đồng/ngày; mỗi điểm đại lý không được giao dịch quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Việc ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển hoạt động đại lý thanh toán tại Việt Nam, đồng thời bắt kịp xu hướng phát triển thanh toán trên thế giới. Với nghiệp vụ này, các ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn khi giảm được chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch, chi phí về nguồn nhân lực mà vẫn có thể lan tỏa các dịch vụ ngân hàng cơ bản đến với nhiều người dùng hơn.

Thông tư 07 được xem là văn bản pháp lý quan trọng nhất "mở đường" cho loạt cửa hàng trở thành "cây ATM".

Loạt cửa hàng Thế giới Di động, F88, Viettel Store... bỗng chốc trở thành "cây ATM"

Được "mở đường", từ ngày 26/12/2024, MBBank (MB) đã hợp tác với Viettel triển khai mô hình đại lý thanh toán tại 63 tỉnh, thành phố. Khách hàng có thể đến hơn 2.000 cửa hàng, siêu thị, bưu cục thuộc Viettel Store và Viettel Post để thực hiện các giao dịch ngân hàng như tại điểm giao dịch của MB. Các cửa hàng này hỗ trợ cập nhật căn cước công dân, nộp hoặc rút tiền mặt, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, chuyển tiền và nhiều dịch vụ thanh toán khác.

Vì sao gần 6.000 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel, F88 được hoạt động như 'cây ATM'?
Lễ ký kết hợp tác giữa MB và Tập đoàn Viettel. Ảnh: MB

Không chỉ Viettel, ngày 16/12/2024, MB cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với F88 - chuỗi dịch vụ tài chính bình dân lớn nhất Việt Nam để mở rộng mạng lưới đại lý thanh toán. Theo thỏa thuận, hơn 850 cửa hàng F88 trên toàn quốc sẽ trở thành “điểm giao dịch ngân hàng” cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng của MB.

Trước MB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là đơn vị tiên phong triển khai mô hình đại lý thanh toán này bằng việc hợp tác với CTCP Thế Giới Di Động (MWG). Với mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, mô hình này mang lại giải pháp tài chính hữu ích cho khách hàng ở các khu vực chưa có chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch, ATM hoặc CDM.

Vì sao gần 6.000 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel, F88 được hoạt động như 'cây ATM'?
Lễ ký kết hợp tác giữa VPBank và Thế giới Di động. Ảnh: VPBank

Như vậy, tổng cộng gần 6.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động, Viettel Store, Viettel Post và F88 trên toàn quốc đã trở thành điểm giao dịch tài chính, hoạt động như các "cây ATM" của ngân hàng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn