Vì sao nhập khẩu thép cán nóng tăng vọt?

Vì sao nhập khẩu thép cán nóng tăng vọt?- Ảnh 1.
Nhu cầu HRC tại Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm - Ảnh minh họa

Thép cán nóng (HRC) là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với ngành thép, là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Nhu cầu HRC tại Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm.

Hiện, cả nước có 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với tổng công suất thiết kế đạt 8,2 triệu tấn/năm.

Nguồn cung nội địa không đủ

Báo cáo của Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 14/6 vừa qua đánh giá: Trong cả tiến trình phát triển, ngành công nghiệp thép của Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét khi quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, từng bước đáp ứng thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu. Sản xuất thép thô, thép xây dựng, thép cán nguội đã đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu trong nước. Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam còn nhiều hạn chế và Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô chỉ mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và chưa thể đáp ứng được các sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu thép cán với tỷ trọng chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó chủ yếu là thép cán nóng.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm thép cán nóng HRC. Tuy nhiên, trong khi tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam đang nằm trong khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm thì tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Nếu như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu HRC thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất HRC tại Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như là than cốc, quặng sắt…, dẫn đến tình trạng bị động về giá, cụ thể là khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành trong thời gian gần đây có công nghệ khép kín như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Hòa Phát Dung Quất… thì phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại đều có quy mô nhỏ dưới 0,5 triệu tấn/năm, sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.

Vì sao nhập khẩu thép cán nóng tăng vọt?- Ảnh 2.
Thép cán nóng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, cơ khí, giao thông vận tải và xây dựng

Vì sao nhập khẩu HRC Trung Quốc tăng vọt?

Việc 2 "ông lớn" ngành sản xuất HRC trong nước chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu HRC nội địa chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC vào Việt Nam ngày càng tăng.

Báo cáo mới nhất từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép trong 6 tháng đầu năm 2024 (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá trị nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép là hơn 3,03 tỷ USD, tăng 24,8%.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Trong bối cảnh cung HRC nội địa trong năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu thì Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh lại tăng sản lượng HRC xuất khẩu so với năm 2022, khiến cho nguồn cung HRC nội địa càng thiếu hụt nghiêm trọng.

Năm 2022, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chỉ xuất khẩu HRC với sản lượng chiếm 21% tổng sản lượng bán hàng HRC thì đến năm 2023, tỷ trọng này đã tăng lên đến 50%. Cụ thể, trong năm 2022, sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm 79% tổng sản lượng bán hàng thì đến năm 2023, tỷ trọng này chỉ còn 50%. Do đó, các doanh nghiệp phải nhập khẩu HRC để đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài ra, nhu cầu HRC tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 là do Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chính sách cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông... điều này đã góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước tăng cao. Trong khi đó, các quốc gia khác như Ấn Độ lại giảm sản lượng thép xuất khẩu khiến lượng HRC từ các quốc gia khác nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh.

"Doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn các sản phẩm HRC có giá thành ưu đãi hơn, chất lượng tốt để sản xuất. HRC Trung Quốc có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường", doanh nghiệp này cho hay.

Vì sao nhập khẩu thép cán nóng tăng vọt?- Ảnh 3.
Các thị trường nhập khẩu thép đều đã và đang tăng cường yêu cầu về lao động, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...

Ngoài sự cạnh tranh gay gắt từ thép Trung Quốc thúc đẩy ngành sản xuất thép trong nước phải phát triển lớn mạnh hơn thì các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam còn đang phải đối diện với sức ép "xanh hoá" đến từ các quốc gia nhập khẩu.

Bộ Công Thương cho biết, các thị trường nhập khẩu thép của Việt Nam đều đã và đang tăng cường yêu cầu về lao động, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngành sản xuất thép là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất với lượng phát thải lớn. Trên thực tế, ngành sản xuất thép trên toàn thế giới ước tính chiếm 7% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Hiện nay, các quy định về tính bền vững ngày càng chặt chẽ hơn, đặc biệt là giảm khí thải trong quá trình sản xuất thép.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo áp dụng chính sách Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất xuất khẩu đến thị trường này, bao gồm cả sản phẩm thép. Chính sách này sẽ chính thức áp dụng từ tháng 1/2026.

"Sản xuất thép xanh sẽ là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, G7 đi đầu trong sản xuất thép xanh. Các nước phát triển đã nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ mới hiện đại thay đổi phương thức sản xuất, thép sản xuất được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí carbon ra ngoài môi trường. Do vậy, ngành thép buộc phải đi đầu trong sự thay đổi này để đáp ứng xu hướng xanh hóa toàn cầu, mặc dù chúng ta đều biết thách thức giảm phát thải của ngành thép là cực kỳ to lớn", đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận rằng: Trong tương lai gần, ngành thép nội địa vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất vẫn còn cao nếu so sánh với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Đồng thời, có rất nhiều sản phẩm thép trong nước vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

"Hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Phải mất từ 5 – 10 năm nữa, Việt Nam mới có khả năng sản xuất các sản phẩm thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo như: Thép làm vỏ ô tô, thép làm vỏ tàu", ông Nguyễn Hữu Trường Hưng nói.

Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trong tháng 9/2024. Cơ quan này cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành "Luật phát triển công nghiệp trọng điểm" với mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn