Vì sao thị trường IPO vẫn ảm đạm?
Trong 5 năm gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không có thương vụ IPO quy mô lớn. Cụ thể từ năm 2019 đến nay, quy mô các thương vụ IPO chỉ dao động từ 15 - 70 triệu USD/năm, trong khi trước đó, tổng giá trị IPO hàng năm đạt từ 500 triệu - 2,6 tỷ USD.
"Vắng bóng" các thương vụ lớn
Mặc dù TTCK Việt Nam sắp chứng kiến 2 "deal" khá lớn, gồm Vinpearl trong nửa cuối năm 2025 và TCBS sẽ IPO để sau đó bắt đầu niêm yết từ đầu năm 2026, tuy nhiên vẫn là quá ít so với giai đoạn trước đây.
Nhìn lại giai đoạn 2006-2007, hàng loạt doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn đã đưa chỉ số VN-Index vượt đỉnh, giúp nhà đầu tư kiếm tiền rất tốt khi "vào đúng sóng". Chỉ trong 2 năm, HoSE đón thêm hơn 100 mã cổ phiếu mới với hàng loạt “tên tuổi” như VIC, FPT, BMP, PVD, BVS, BMC, SJS, DHG, STB, SSI,…
Việc không có các thương vụ IPO lớn kể từ năm 2019 được đánh giá là nguyên nhân chính khiến cho dòng vốn ngoại “hờ hững” với TTCK Việt Nam.
![]() |
Trong 5 năm gần đây, TTCK Việt Nam không có thương vụ IPO quy mô lớn. |
Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam ước tính tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5% tổng số tài khoản trên TTCK. Đáng lưu ý là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường không chỉ hạn chế mà còn đang giảm dần.
Thống kê của FiinGroup cũng cho thấy, tỷ trọng giao dịch bởi các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây, từ đỉnh điểm năm 2018 chiếm 30% xuống chỉ còn 14,8% vào năm 2022. Đây là tỷ trọng nhỏ so với các thị trường khác trong khối ASEAN-5, khi mà các nhà đầu tư quốc tế thực hiện trên 40% tổng giao dịch.
Gần nhất, quý I/2025 đã chứng kiến một giai đoạn "xả hàng" chưa từng có trong lịch sử của khối ngoại. Số phiên giải ngân mua ròng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi áp lực “xả hàng" kéo dài với giá trị tương đối lớn. Lũy kế quý I, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 25.940 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng hơn 1 tỷ USD chảy ra khỏi TTCK Việt Nam. Con số này cũng chỉ kém mức bán ròng gần 38.000 tỷ đồng xác lập trong quý II/2024.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) từng chỉ ra thực trạng TTCK Việt Nam trong 10 năm qua không có IPO công nghệ quy mô lớn.
Lãnh đạo SSIAM phân tích, trong các năm 2017, 2018, 2019 - thời điểm đỉnh cao của IPO tại Việt Nam nhưng cũng không thấy doanh nghiệp công nghệ. Từ năm 2020 đến nay là thời gian yên ắng của thị trường IPO, trong xu thế chung đó thì các doanh nghiệp công nghệ cũng không xuất hiện trên “bản đồ” IPO.
Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn này, thị trường IPO tại các nước láng giềng lại chứng kiến các thương vụ lớn trong lĩnh vực công nghệ. Điển hình là việc GoTo Group (hợp nhất giữa Gojek và Tokopedia) IPO thành công trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) với mức định giá hơn 28 tỷ USD; Bukalapak – một startup thương mại điện tử Indonesia, IPO với mức huy động hơn 1,5 tỷ USD, trở thành thương vụ IPO công nghệ lớn nhất Indonesia…
“Trao đổi với các nhà đầu tư quốc tế, họ cho biết sẵn sàng xuống tiền cho các công ty công nghệ tiềm năng tại Việt Nam, nhưng nghịch lý là không có doanh nghiệp để đầu tư. Trong VN30, chỉ có một cái tên công nghệ duy nhất là FPT, và vốn hoá của FPT cũng chỉ chiếm 5% trong VN30”, bà Nguyễn Ngọc Anh thông tin.
Điều kiện niêm yết quá nghiêm ngặt?
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là bởi điều kiện niêm yết quá nghiêm ngặt. Điều này nhằm bảo đảm sự ổn định cho thị trường, song lại khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ xa vời giấc mơ IPO trên chính “sân nhà”.
Có thể thấy, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, có xu hướng thành lập công ty ở nước ngoài để huy động vốn thuận lợi hơn.
Chẳng hạn, Tiki Global thành lập năm 2021 tại Singapore rồi nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần CTCP Ti Ki, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki tại Việt Nam. Giữa năm 2020, CEO Tiki từng chia sẻ mong muốn Nhà nước nới lỏng điều kiện lên sàn chứng khoán đối với các công ty công nghệ bán lẻ. Song, đơn vị này đã phải “xuất ngoại” để niêm yết và gọi vốn.
Trước Tiki, khá nhiều startup khác cũng đã có những động thái tương tự khi lập công ty holding ở nước ngoài (thường là Singapore hoặc Hongkong - Trung Quốc) rồi đầu tư ngược lại vào pháp nhân trong nước, điển hình như Base, Cốc Cốc, Topica... Hiện, các công ty khởi nghiệp có tiềm năng lớn như MoMo, VNPay, Sky Mavis đều chưa thể niêm yết trong nước mà phải tìm cách huy động vốn từ quỹ đầu tư tư nhân hoặc đăng ký ở nước ngoài.
TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm IPO có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Trong khi đó, việc có lỗ lũy kế đối với các công ty công nghệ là khó tránh, bởi nhóm này vận hành theo mô hình đặc thù, yêu cầu lượng vốn lớn ngay từ giai đoạn đầu nhằm đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng người dùng, xây dựng hạ tầng vận hành.
Giám đốc Quốc gia của Quỹ đầu tư Warburg Pincus Minh Đỗ chia sẻ, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tương lai của họ không bị quyết định bởi lỗ lũy kế tại thời điểm họ muốn huy động vốn. Mặc dù họ có thể có lỗ lũy kế, nhưng trong mắt của các nhà đầu tư thì vẫn có tiềm năng phát triển. Đơn cử, một trong những kỳ lân công nghệ hiếm hoi của Việt Nam có các chỉ số tài chính rất tốt, nhưng vẫn không tránh khỏi ghi nhận lỗ trong giai đoạn đầu vì phải đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và mở rộng thị trường. Điều này khiến doanh nghiệp gần như không có cơ hội để IPO tại Việt Nam.
Thực tế, không chỉ các kỳ lân của Việt Nam mà ngay cả những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Amazon hay Tesla, nếu đặt trong bối cảnh quy định niêm yết của Việt Nam, cũng khó lòng đáp ứng được các điều kiện để IPO.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital từng nhận định, những tiêu chí như không lỗ lũy kế hay vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp công nghệ giai đoạn đầu, vốn thường chấp nhận lỗ để đổi lấy tăng trưởng dài hạn.
Nếu các tiêu chuẩn hiện hành không phù hợp với cả các "ông lớn" quốc tế, liệu có phải đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi để giữ chân các công ty công nghệ trong nước?
“Chúng ta nên để cho nhà đầu tư tự đánh giá triển vọng của các thương vụ hợp tác này, thay vì đặt ra các rào cản kỹ thuật quá khắt khe để hạn chế đối tượng có thể niêm yết”, đại diện Warburg Pincus khuyến nghị.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất nới lỏng hoặc điều chỉnh các điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) theo hướng linh hoạt hơn, qua đó không chỉ giúp các doanh nghiệp fintech có cơ hội IPO ngay tại "sân nhà" mà còn mở ra cánh cửa để Việt Nam khẳng định vị thế là trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Giám đốc đầu tư Dragon Capital kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo có thể xuất hiện vào năm 2027-2028, ước tính khoảng 47,5 tỷ USD có thể đổ vào TTCK Việt Nam. Trong đó, 12,8 tỷ USD kỳ vọng đến từ mảng tiêu dùng với loạt tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee.
Quy mô niêm yết mới trong mảng dịch vụ tài chính cũng được dự báo đạt 5 tỷ USD với TCBS và VPS.
Ngoài ra, còn có thể chờ đón nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng công nghệ và dịch vụ IT, với Viettel IDC, Công nghệ VNG, Misa, VNPay (4,7 tỷ USD); mảng khách sạn với thương vụ niêm yết của Vinpearl (2 tỷ USD); chăm sóc sức khoẻ với Nhà thuốc Long Châu, Xuyên Á (1,9 tỷ USD) và lĩnh vực giải trí Datviet Vac, Galaxy media (0,8 tỷ USD).
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn