Vietcombank: Dự định chia toàn bộ lợi nhuận cho cổ đông và hoàn thành nhận chuyển giao trong năm nay
Một trong những tờ trình đáng chú ý nhất của ĐHĐCĐ Vietcombank là kế hoạch phân phối lợi nhuận. Ngân hàng dự định dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ (24.987 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy vậy, tờ trình không nêu rõ sẽ chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% , điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Như vậy có thể ước tính tổng tài sản của Vietcombank sẽ tiến sát mốc 2 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8%. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được giao tối đa là 15,93%. Nếu sử dụng hết hạn mức này, dư nợ tín dụng của ngân hàng sẽ lên mức 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối 2024.
Trong năm 2024, Vietcombank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, đại diện Vietcombank từng cho biết ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.
Ngân hàng dự định dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ (24.987 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông. |
Tính đến hết quý I/2024, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng 3,31% (giảm chủ động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn), tín dụng giảm 0,42%, chủ yếu do tín dụng bán lẻ giảm. Thu lãi thuần giảm do tác động giảm lãi suất sâu, thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết nợ xấu bán buôn không phải bất ngờ, mà từ khách hàng ngày trong 2023 đã nhận diện, đưa vào nợ tiềm ẩn rủi ro và đang có giải pháp xử lý.
Trong khi đó, nợ xấu bán lẻ và bán lẻ vay vốn BĐS gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, ông Tùng cho hay nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. Trái phiếu doanh nghiệp, BOT, BT, chứng khoán gần như không có nợ xấu. Hết năm 2024 cam kết kiểm soát dưới 1,5%.
Liên quan đến nợ xấu, một cô đông đặt câu hỏi: Ngân hàng có khoản nợ có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay TCTD khác với dư nợ là 6.200 tỷ đồng vào cuối năm ngoái và 11.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Mong lãnh đạo ngân hàng giải thích về những khoản nợ này: cho vay ngân hàng nào, có phải là CBBank hay không?
Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến nay, đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023. Do quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT cho biết,Vietcombank đang thu xếp, có thể sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước trong năm 2024 và kỳ vọng sẽ hoàn thành thương vụ từ nay đến năm 2025.
Một nội dung được cổ đông quan tâm đó là kế hoạch chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, Thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng: Năm 2022, ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch chi tiết. Về lợi ích khi nhận chuyển giao, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số). Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết về tiến độ, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai thì sẽ trong năm 2024. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế.
Vietcombank cũng tổ chức tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên, phát hiện gap về trình độ, chuyên môn và xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn. Ngân hàng cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho TCTD yếu kém nhận chuyển giao.
Về công nghệ thông tin, đã cử chuyên gia đồng hành cùng TCTD yếu kém để đánh giá chất lượng, năng lực, có giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động liên tục, hạn chế rủi ro. Vietcombank là ngân hàng có vai trò chủ lực của Chính phủ, NHNN có trách nhiệm thực hiện xử lý TCTD yếu kém, góp phần vào đảm bảo ổn định, hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Đảm bảo toàn hệ thống thì mới đảm bảo được an toàn từng tổ chức. Sẽ có những giải pháp hỗ trợ phù hợp quy định pháp luật, hạn chế tác động.
Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập …
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn