Vietnam Airlines được lùi thời hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng thêm 3 năm

 Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư 42/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thông tư quy định, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 (năm) lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm theo quy định cũ tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 03 năm.

Trước đó, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng).

Tại Nghị quyết 135 năm 2020, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.  

Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay trước 31/12/2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng.

Tới ngày 7/7/2021, sau khi có quy định của Ngân hàng Nhà nước, Vietnam Airlines ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng.

Khoản vay trên, theo quy định, sẽ hết hạn vào tháng 7/2024. Tuy nhiên, với tình hình thanh khoản hiện tại của Vietnam Airline, tháng 6/2024, Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng nói trên.

Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được cam kết của hãng với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Từ đó, hãng có thể bị kiện, giảm uy tín trước các đối tác.

Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản.

Điều này có thể tạo ra hệ lụy như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines. Đến 31/3, dư nợ vay bảo lãnh của Chính phủ là 331 triệu USD.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, tính tới hết tháng 6/2024, tổng nợ của Vietnam Airilines là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính hơn 23.300 tỷ đồng.

Hiện Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 35.811 tỷ đồng, giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa kỳ vọng hết năm 2025, tình trạng âm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này sẽ được khắc phục.

Xem thêm tại baodautu.vn