VinFast nhận tài trợ theo cam kết; Vinamilk có mặt tại 60 quốc gia; Cảng Chu Lai mở tuyến mới

Ông Phạm Nhật Vượng tài trợ gần 3.300 tỷ đồng cho VinFast

Chủ tịch Vingroup rót thêm gần 3.300 tỷ đồng cho VinFast dưới dạng khoản hỗ trợ cho công ty con trong nửa đầu năm 2024, theo Báo cáo tài chính kiểm toán.

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên. Trong đó, phần thuyết minh những giao dịch trọng yếu cho biết ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch hĐQT Vingroup, đã tài trợ gần 3.300 tỷ đồng cho công ty con trong nửa đầu năm nay. Khoản tài chính này để hỗ trợ VinFast, công ty con của Vingroup, theo cam kết được ông Vượng đưa ra trước đó.

Ngoài khoản hỗ trợ, Chủ tịch Vingroup có giao dịch chuyển nhượng cổ phần công ty con với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, ông tiếp tục không nhận thù lao tại tập đoàn này, tương tự những năm gần đây.

Ông Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VinFast từ tháng 3/2022. Đầu năm 2024, ông chuyển sang đảm nhận chức Tổng giám đốc công ty sản xuất xe điện này, trực tiếp điều hành công ty.

Tại phiên họp thường niên của Tập đoàn Vingroup cuối tháng 4, ông Vượng cho biết VinFast là sứ mệnh, tương lai của Vingroup nên "sẽ không bao giờ buông". Ông cũng khẳng định sẽ thu xếp nguồn tiền cá nhân để tài trợ tiếp cho hãng xe điện tối thiểu 1 tỷ USD.

Trước đó, đầu năm 2023, Chủ tịch Vingroup công bố hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay một tỷ USD trong tối đa 5 năm. Đầu tháng 10/2023, ông Vượng tặng tiếp công ty sản xuất pin có quy mô vốn 6.500 tỷ.

Nửa đầu năm nay, mảng sản xuất tiếp tục là trụ cột đứng thứ hai về doanh thu của Vingroup khi đem về gần 14.200 tỷ đồng.

Lãi ròng hợp nhất 6 tháng của Vingroup ghi nhận hơn 2.000 tỷ. Trong đó, chia theo cấu phần hoạt động, sản xuất vẫn tiếp tục báo lỗ trước thuế hơn 18.800 tỷ. Phần lỗ này được "gánh" bởi hoạt động kinh doanh bất động sản (lãi trước thuế hơn 9.600 tỷ đồng), cho thuê bất động sản đầu tư (hơn 1.500 tỷ đồng) và các hoạt động khác.

Cũng theo thuyết minh trong báo cáo tài chính kiểm toán, Xanh SM - hãng taxi của ông Phạm Nhật Vượng – đóng góp hơn 5.700 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Hãng taxi điện này vẫn luôn là khách hàng đóng góp tỷ trọng hàng đầu cho VinFast từ ngày ra mắt. Năm 2023, Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh GSM xuất hiện ở phần Những giao dịch trọng yếu với các bên liên quan, với khoản mục thu tiền từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 20.100 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý II, Vingroup cũng ghi nhận hơn 67.500 tỷ đồng các khoản cho vay công ty con. Trong đó, VinFast chiếm hơn 77%, với dư nợ vay tập đoàn hơn 52.200 tỷ đồng.

Viettel High Tech cung cấp Hệ thống huấn luyện bắn súng cho Công ty ở Philippines

Viettel High Tech (Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - Việt Nam) vừa ký hợp đồng cung cấp Hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng với Công ty ContactPoint, Inc (Philippines).

Viettel High Tech hiện là đơn vị chủ lực cung cấp các hệ thống mô phỏng trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Đây là hệ thống mô phỏng bắn súng được thiết kế riêng biệt, phù hợp với đặc thù của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines. Hệ thống do Viettel làm chủ công nghệ lõi với khả năng tùy biến cao, đã được bổ sung hơn 90% tính năng mới theo yêu cầu huấn luyện của khách hàng. Một trong số đó là phát triển thiết bị tạo giật trong hệ thống mô phỏng, hỗ trợ các loại súng đặc thù như Glock, Taurus và M16 Rifle, phát triển module phần mềm huấn luyện bắn mới... giúp nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị chiến đấu.

Ông Radel Ramos, Giám đốc Đào tạo, Cảnh sát Quốc gia Philippines kỳ vọng giải pháp công nghệ tiên tiến giúp lực lượng cải thiện năng lực huấn luyện một cách rõ rệt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Philippines.

Tổng giám đốc Viettel High Tech Nguyễn Vũ Hà cho biết, hệ thống mô phỏng của Viettel đã qua quy trình kiểm tra khắt khe, đảm bảo tuổi thọ cao và hiệu quả sử dụng trong mọi điều kiện. "Sự thành công của hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng là minh chứng cho năng lực công nghệ của Viettel, được xây dựng trên nhiều năm nghiên cứu và phát triển", ông nói.

Đây là hợp đồng thứ hai trong vòng nửa năm của Viettel tại thị trường Philippines với tổng giá trị gần 2 triệu USD.

Viettel High Tech hiện là đơn vị chủ lực cung cấp các hệ thống mô phỏng trong lĩnh vực quân sự và dân sự, trong đó có hệ thống mô phỏng huấn luyện xe tăng, hệ thống mô phỏng huấn luyện lái máy bay, hệ thống mô phỏng bắn súng cá nhân cho lực lượng trinh sát đặc nhiệm và hệ thống mô phỏng lái ô tô dành cho dân sự.

Vinamilk đã có mặt tại 60 quốc gia ở các châu lục

Doanh thu thuần xuất khẩu quý II/2024 của Vinamilk ghi nhận 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong quý II1/2024. Liên tục cải tiến sản phẩm và duy trì quan hệ chặt chẽ với đối tác tại các thị trường được cho sẽ tiếp tục là cơ sở tăng trưởng về xuất khẩu của Vinamilk 6 tháng cuối năm.

 Vinamilk đã có hơn 26 năm kinh nghiệm đưa sản phẩm sữa ra nước ngoài.

Doanh thu xuất khẩu sữa khởi sắc 6 tháng đầu năm, tiếp nối đà tăng từ 2023 đến nay cho thấy hiệu quả của việc kết hợp các giải pháp hỗ trợ và xúc tiến thương mại, từ đó gia tăng sự hiện diện của thương hiệu, tìm kiếm cơ hội và phát triển nhóm khách hàng mới.

Những cái tên mới đã xuất hiện trong danh sách thị trường xuất khẩu của Vinamilk đến từ khu vực Châu Úc, Nam Mỹ hay Châu Phi, góp phần nâng tổng số quốc gia mà doanh nghiệp này từng “đặt chân đến” lên trên 60. Điều này cũng cho thấy việc khai thác hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế để tìm kiếm đối tác, khai phá thị trường mới.

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết thêm: “Nhiều đối tác bất ngờ khi biết Việt Nam có thể làm được các sản phẩm sữa với hàng loạt các tiêu chuẩn cao, thơm ngon và giá lại rất cạnh tranh.”

Năm 2024, Vinamilk đạt mục tiêu doanh thu 63.163 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh quốc tế và chi nhánh nước ngoài tiếp tục dự báo sẽ gia tăng tỷ lệ đóng góp.

Tính đến nay, Vinamilk đã có hơn 26 năm kinh nghiệm đưa sản phẩm sữa ra nước ngoài, với hơn 300 loại sản phẩm thuộc các ngành hàng sữa đặc, sữa bột, sữa chua… Tổng kim ngạch lũy kế đạt hơn 3,3 tỷ USD.

Để đạt các mục tiêu xuất khẩu năm 2024, theo các chuyên gia, hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hình thức hiện đại sẽ là một đòn bẩy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, năng lực sản xuất chuẩn quốc tế, chất lượng sản phẩm đồng nhất và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới vẫn sẽ là những yếu tố tạo tăng trưởng về dài hạn và bền vững.

Lãi ròng bán niên PAN tăng sau soát xét

CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group) vừa công bố kết quả soát xét bán niên 2024, với lãi ròng 176,5 tỷ đồng, tăng thêm 8 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tức chênh lệch hơn 4%.

Nguyên nhân tăng lãi do PAN Group điều chỉnh chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt đạt 213,5 tỷ đồng và 560 tỷ đồng, cùng giảm 1% so với báo cáo tự lập. Cạnh đó, khoản lãi khác ghi nhận gần 350 triệu đồng, thay vì lỗ gần 300 triệu đồng trước soát xét.

Sau soát xét, doanh thu bán niên vẫn giữ nguyên như báo cáo tự lập, ở mức hơn 6,8 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2023; đạt 46% kế hoạch năm.

Đầu tàu là ngành thủy sản và nông nghiệp mang về doanh thu gần 3 ngàn tỷ đồng và hơn 2,8 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 28% so với cùng kỳ. Mảng thực phẩm đóng góp hơn 1 ngàn tỷ đồng doanh thu, cao hơn 29%.

Tăng trưởng doanh thu góp phần cải thiện kết quả lợi nhuận với lãi ròng 176,5 tỷ đồng, tăng 73% so với 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện được hơn 39% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại cuối tháng 6/2024, The PAN Group có tổng tài sản hơn 23,3 ngàn tỷ đồng, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính gần 11,7 ngàn tỷ đồng. Đối ứng, nợ phải trả gần 15 ngàn tỷ đồng, riêng vay nợ tài chính chiếm gần 12,8 tỷ đồng.

VNG ghi điểm doanh thu quốc tế và sản phẩm AI

Công ty cổ phần VNG (VNG) đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 4.314 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và dịch vụ đạt 1.511 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh sau điều chỉnh là 400 triệu đồng.

Mảng AI Cloud của VNG DB - GreenNode5 vừa khai trương Trung tâm dữ liệu AI Cloud tại Bangkok, Thái Lan, trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ AI Cloud quy mô lớn tiên phong trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau gần 6 tháng triển khai.

Tổng bookings của mảng Trò chơi trực tuyến đạt 3.613 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với 2023. Tuy nhiên, tổng bookings từ thị trường quốc tế tăng 23% so với cùng kỳ 2023 (YoY), chiếm 28% trong cơ cấu bookings của mảng Trò chơi trực tuyến.

Tính đến hết tháng 6/2024, Zalo tiếp tục ghi nhận 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU), tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, và 1,9 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày, tăng 7% YoY.

Doanh thu định kỳ hàng tháng từ khách hàng bên ngoài (không tính doanh thu phục vụ mảng nội bộ) của VNG DB đã tăng trưởng 79% trong nửa đầu năm 2024.

Zalopay tăng trưởng 42% về tổng khối lượng thanh toán, đồng thời tối ưu hóa chi phí marketing. Doanh thu từ dịch vụ tài chính tăng trưởng 190% so với cùng kỳ.

Tuy bối cảnh thị trường không thuận lợi, các mảng kinh doanh cốt lõi của VNG vẫn đang đi đúng hướng và hoàn thành được những dự án đầy thách thức: Zalo tăng trưởng doanh thu với nhóm khách hàng doanh nghiệp, VNGGames và Zingplay Game Studios liên tiếp “khai phá” thị trường nước ngoài, mảng AI Cloud thương mại hóa thành công chỉ sau 6 tháng triển khai, Zalopay tái định vị thương hiệu trở thành nền tảng thanh toán mở.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc nhấn mạnh: “Sẽ là thách thức rất lớn cho đội ngũ VNG trong 6 tháng cuối năm khi phải cùng lúc cân bằng mục tiêu về tài chính với mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tôi tin là với năng lực, kinh nghiệm và sự quyết tâm, đội ngũ VNG sẽ tiếp tục chinh phục thử thách cho một năm VNG 20 tuổi thật đáng nhớ”.

Cảng Chu Lai mở thêm các tuyến hàng hải mới

Ngày 28/8, tàu MTT SAISUNEE (quốc tịch Malaysia) thuộc hãng tàu RCL đã cập cảng Chu Lai, mở đầu cho tuyến hàng hải mới kết nối trực tiếp đến Ấn Độ. Tàu vận chuyển linh kiện ô tô, cơ khí, trái cây, hàng gia dụng, nội thất, may mặc... của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tam Thăng, THACO Chu Lai (Quảng Nam) và Khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi) xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ngày 28/8, tàu MTT SAISUNEE (quốc tịch Malaysia) thuộc hãng tàu RCL đã cập cảng Chu Lai, mở đầu cho tuyến hàng hải mới kết nối trực tiếp đến Ấn Độ.

RCL là một trong những hãng tàu hàng đầu châu Á, được thành lập từ năm 1979 tại Thái Lan. Hiện hãng đang sở hữu và vận hành 49 tàu container với 69 điểm đến ở Ấn Độ và các nước khác trong khu vực châu Á, Trung Đông. Đội tàu của RCL có tổng năng lực gần 79.000 TEUs, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo vệ môi trường.

Bước đầu, cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL khai thác hải trình từ Xiamen (Trung Quốc) - Chu Lai - Port Klang (Malaysia) - Chennai - Kolkata - Kattupalli (Ấn Độ), tần suất 3 chuyến/tháng. Qua đó, mang đến cho khách hàng nhiều phương án vận chuyển phù hợp với mức phí tối ưu, đồng thời phát triển thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng tại miền Trung và cũng là điểm thu hút hàng trung chuyển quá cảnh từ Tây Nguyên (Việt Nam), Lào và Campuchia, cảng Chu Lai đang đẩy mạnh hợp tác với các hãng tàu quốc tế (SITC, CMA CGM, ZIM, RCL…) khai thác tuyến dịch vụ nội Á kết nối trực tiếp đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tuyến xuyên Thái Bình Dương đến các thị trường tại châu Mỹ, châu Âu.

Đặc biệt, với việc mở thêm tuyến hàng hải trực tiếp tới các cảng lớn tại Ấn Độ như: Chennai, Kolkata, Kattupalli, Nhava Sheva, Mundra… cảng Chu Lai đã cung ứng nhiều giải pháp vận chuyển tối ưu, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nam Á thông qua "cửa ngõ" Ấn Độ một cách thuận tiện. Từ nay, thay vì phải trung chuyển đến các cảng tại hai đầu Nam, Bắc, các doanh nghiệp tại miền Trung có thể xuất nhập khẩu hàng qua Ấn Độ tại Chu Lai, tiết giảm đáng kể thời gian và chi phí.

Ông Phan Văn Kỳ, Giám đốc cảng Chu Lai cho biết: "Chúng tôi đang tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai thác cảng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua đó, tăng tính kết nối với các tập đoàn vận tải biển, hãng tàu quốc tế, đồng thời thu hút nguồn hàng từ các khu vực xuất nhập khẩu qua cảng".

Nhờ đa dạng các tuyến hàng hải mới cùng mạng lưới khách hàng không ngừng được mở rộng, năm 2024, dự kiến sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai tăng hơn 40% so với năm 2023.

Trong thời gian tới, cảng Chu Lai tiếp tục xúc tiến hợp tác với các hãng tàu quốc tế nhằm gia tăng tần suất tàu, đồng thời hoàn thiện và đưa vào hoạt động bến cảng 5 vạn tấn để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, cảng sẽ nâng cao năng lực khai thác cầu bến, kho bãi, phương tiện, tập trung khai thác các các mặt hàng có nhiều dư địa phát triển tại Tây Nguyên (Việt Nam), Lào, Campuchia như nông - lâm - khoáng sản xuất khẩu.

Xem thêm tại baodautu.vn