VN-Index gặp khó quanh 1260 điểm, áp lực bán vẫn yếu
Thị trường lại xuất hiện diễn biến trượt dốc suy yếu dần trong phiên sáng nay nhưng khả năng tạo áp lực từ phía bán vẫn chưa vượt trội. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE giảm 10% so với phiên trước, chỉ đạt 4.843 tỷ đồng và tác động chính đến từ nhóm blue-chips.
VN-Index mở đầu ngày khá tốt, mức cao nhất chỉ số này chạm tới là 1258,05 điểm, tăng 7,6 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên đến cuối phiên mức tăng chỉ còn 1,74 điểm (+0,14%). VN30-Index đã giảm 1,81 điểm (-0,14%).
Rổ blue-chips ban đầu tăng toàn bộ 30 mã nhưng kế phiên đã có 15 mã đỏ, số xanh còn 10 mã. Thông tin được chấp thuận tăng vốn đẩy VCB tăng 1,93% ngay ít phút sau khi mở cửa. Trụ này dẫn dắt loạt cổ phiếu ngân hàng “xanh mướt”. Tuy nhiên chỉ ít phút sau diễn biến phân hóa đã xuất hiện. Bản thân VCB cũng tụt giá liên tục và kết phiên chỉ còn tăng 1,07%. Ngoài VCB, nhóm ngân hàng trong rổ VN30 chỉ còn 3 mã xanh là CTG tăng 0,28%, HDB tăng 0,39% và TPB tăng 0,31%. Nhóm này đều đã tụt giá đáng kể so với đỉnh đầu ngày. Thậm chí trong toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ còn 5 mã tăng – thêm LPB tăng 3,1%.
Diễn biến tụt giá này là phổ biến, toàn bộ rổ VN30 không mã nào còn giữ được mức cao nhất, trong đó 8 mã tụt hơn 1%. Trụ FPT vừa vượt đỉnh lịch sử cuối tuần trước, sáng nay tăng tiếp 1,88% nữa nhưng rồi hạ độ cao rất nhanh, kết phiên chỉ còn tăng 0,07% trong ngày giao dịch không hưởng quyền. POW cũng hào hứng đầu ngày sau khi Luật Điện lực sửa đổi được thông qua vào cuối tuần trước, có lúc tăng 1,61% nhưng sau đó trả lại toàn bộ lui về tham chiếu. Thanh khoản rổ VN30 sáng nay khá thấp, chỉ đạt 2.186,9 tỷ đồng, giảm 11% so với sáng phiên trước cho thấy vẫn thiếu dòng tiền vào đẩy giá. Thậm chí chỉ 2 mã là FPT và HPG đã chiếm 38,8% tổng thanh khoản cả rổ.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, diễn biến tụt giá xuất hiện ở 80% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch trên sàn này. Chỉ khoảng 30 cổ phiếu đang tăng giá và giữ được mức cao nhất, tương đương khoảng 9,2% sàn. Nhìn từ độ rộng, lúc 9h30, VN-Index ghi nhận 215 mã tăng/65 mã giảm và kết phiên là 151 mã tăng/183 mã giảm. Như vậy số lượng cổ phiếu đảo chiều đến mức đổi màu giá là khá nhiều. Hai thống kê này khá tương thích với nhau và cũng lý giải hiện tượng trượt giảm ở VN-Index có sự thay đổi giá phù hợp ở cổ phiếu.
Điểm tích cực là cũng như các nhịp điều chỉnh theo hướng co hẹp biên độ tăng ở những phiên trước, không nhiều cổ phiếu xuất hiện mức giảm giá lớn và chịu áp lực thanh khoản cao. Cụ thể, trong 183 mã đang đỏ của VN-Index, chỉ có 46 mã giảm quá 1% và chỉ 6 mã trong số này có thanh khoản quá 10 tỷ đồng. Thậm chí toàn bộ 46 mã này cũng chỉ chiếm 4% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Những cổ phiếu bị bán rõ hơn mặt bằng chung là KDH với 38,5 tỷ đồng, giá giảm 1,36%; HAG với 32,9 tỷ, giá giảm 1,67%; GMD với 26,8 tỷ, giá giảm 1,08%; TLG với 26,3 tỷ, giá giảm 2,98%; NLG với 16,9 tỷ, giá giảm 1,3% và CSM với 12,1 tỷ, giá giảm 2,19%.
Các cổ phiếu có thanh khoản đủ lớn đảm bảo độ tin cậy trong dao động giá hầu hết chỉ giảm rất nhẹ, thậm chí số mã xanh còn chiếm ưu thế. Ví dụ toàn sàn HoSE có 25 mã giao dịch trên 50 tỷ đồng khớp lệnh thì có 10 mã đỏ, không mã nào giảm sâu hơn 1%. PDR yếu nhất cũng chỉ giảm 0,94%, DXG giảm 0,86%.
Ngược lại, nhóm tăng giá sáng nay dù ít hơn về tổng thể (độ rộng vẫn nghiêng về phía giảm) nhưng lai có sự tập trung dòng tiền tốt hơn, nhiều mã giao dịch sôi động hơn. Cụ thể, trong 151 mã xanh có 53 mã tăng hơn 1% và chiếm 20,7% giao dịch sàn. Nhóm bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đang tăng giá ấn tượng: VCG tăng 3,45% khớp 111,3 tỷ đồng; HHV tăng 4,11% với 66,2 tỷ; DIG tăng 1,48% với 63,8 tỷ; CTD tăng 1,98% với 53,2 tỷ; KBC tăng 1,44% với 49,5 tỷ; SZC tăng 2,58% với 49,4 tỷ; CII tăng 2,84% với 42,7 tỷ…
Một diễn biến khá bất ngờ là khối ngoại đã quay đầu bán ròng với FPT, khoảng 74,8 tỷ đồng. Khối này cũng đã “trở mặt” bán ròng 294,7 tỷ đồng trên HoSE. Tổng quy mô bán ra tăng đột biến lên 1.084,9 tỷ đồng, cao nhất 7 phiên. Ngoài FPT, có VRE -43,4 tỷ, STB -33,9 tỷ, HPG -33,9 tỷ, KDH -32,2 tỷ, Bên mua ròng có PNJ +46,4 tỷ, LPB +32,9 tỷ, CTG +22,3 tỷ.
VN-Index chốt phiên sáng vẫn tăng nhẹ 1,74 điểm, giữ mức 1252,2 điểm. Chỉ số chưa để mất ngưỡng 1250 điểm có thể xem là một tín hiệu mạnh, nhưng rõ ràng đang có áp lực bán kiềm chế trong vùng 1260 điểm. Dù vậy bên bán vẫn không xả hàng nhiều, thể hiện ở mức thanh khoản rất thấp và giá cổ phiếu còn phân hóa biên độ rất hẹp.
Xem thêm tại vneconomy.vn