VN-Index giảm hơn 5 điểm trong phiên giao dịch cuối năm 2024
Sau phiên sáng giao dịch thưa thớt và ít điểm nhấn, thị trường bước vào phiên chiều nới thêm đôi chút đà giảm và rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, áp lực bán có phần lấn át, dù không quá mạnh nhưng cũng đủ khiến VN-Index có nhịp giảm khá nhanh về cuối phiên.
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, VN-Index giảm 5,24 điểm (-0,41%), xuống 1.266,78 điểm. Toàn sàn HoSE có 155 mã tăng và 254 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 480,5 triệu đơn vị, giá trị 11.560,3 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,3 triệu đơn vị, giá trị 1.989,6 tỷ đồng.
Trong số giao dịch hôm nay, đáng chú ý là diễn biến của HDB va YEG. HDB đợt ATC hôm qua đột nhiên có cầu ngoại cực mạnh đẩy giá tăng kịch trần. Hôm nay, HDB lại bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu CTG -3,8% xuống 37.800 đồng, STB -2,5% xuống 36.900 đồng, BVH -2,5% xuống 50.700 đồng, BID -1,8% xuống 37.550 đồng. Các cổ phiếu SAB, POW, SSI, PLX giảm 1% đến 1,8%.
Nhóm tăng giá cũng rất buồn tẻ vì hầu như động lực chính dựa vào mức thanh khoản rất nhỏ với hai mã đáng chú ý nhất là TMT và HMC khi đều tăng trần lên 9.840 đồng và 20.400 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ hơn 0,2 triệu đơn vị.
Tăng điểm cùng thanh khoản tích cực chỉ còn GEE +3,9% lên 34.300 đồng, khớp 0,53 triệu đơn vị; OCB +3,6% lên 11.350 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị; PTB +3,4% lên 67.300 đồng, khớp 0,86 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nỗ lực thu hẹp đà giảm trong phiên chiều, dù vẫn đóng cửa dưới tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 76 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,31%), xuống 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,1 triệu đơn vị, giá trị 588,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị 50,3 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng dần hồi phục và kịp vượt lên trên tham chiếu ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 95,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,3 triệu đơn vị, giá trị 518 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,33 triệu đơn vị, giá trị 156,1 tỷ đồng.
Trải qua một năm 2024, thị trường chứng khoán nhạy cảm hơn với những sự kiện kinh tế chính trị trong và ngoài nước hơn bao giờ hết. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu ghi nhận sự không tăng trưởng trong bối cảnh trầm lắng chung trên toàn thị trường. Trong khi khối ngoại xả ròng, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân nội trở thành động lực chính hỗ trợ thị trường, cân đối với lực bán của nhà đầu tư ngoại.
Trong năm 2024, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng gần 137 điểm từ 1.229,9 điểm, tương đương +12,1%. Trong đó, mức đỉnh trong năm ghi nhận ở hơn 1.300 điểm thiết lập vào phiên 13/6.
Trái ngược với bối cảnh ít thông tin tích cực năm 2024, triển vọng năm 2025 đối với thị trường chứng khoán lại trở nên tích cực hơn.
Trong phân tích mới đây, VCBS đánh giá mỗi thời kỳ chuyển giao sẽ mang lại đột phá trong chính sách điều hành, tạo ra động lực cho thị trường. Xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới và dư địa nới lỏng tài khóa trong nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng.
Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường đang trở nên hấp dẫn hơn. Dự kiến đến tháng 9/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng, thời điểm đang đến rất gần. Theo quan sát, chỉ số các thị trường chứng khoán cận biên thường tăng trước thêm nâng hạng 1 năm, sau đó điều chỉnh. Hiện Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE. Tiêu chí Pre-funding đã hoàn thiện cơ chế bởi Bộ Tài chính và đang chờ FTSE review trong khi Tiêu chí Chi phí giao dịch thất bại vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Năm 2025, lợi nhuận toàn thị trường còn được dự báo tăng trưởng 12% với động lực từ ngân hàng và bất động sản.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn