VN-Index hướng đến các ngưỡng cản ngắn hạn ở 1.238 - 1.240 điểm
Dòng tiền tham gia bắt đáy tích cực
Thị trường chứng khoán trong nước tuần vừa qua (5/8 – 9/8) đã chịu tác động nặng nề từ thị trường chứng khoán thế giới, với tâm điểm là sự sụt giảm trên thị trường Nhật Bản.
Tuy vậy, nhà đầu tư đã quay trở lại bắt đáy cổ phiếu vì tin rằng mối lo suy thoái đã bị thổi phồng. Cùng với đó, đồng Yên Nhật cũng giảm giá trở lại so với USD, giảm bớt áp lực bán cổ phiếu.
Mặc dù sự xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới đã tạm lắm, tuy nhiên độ biến động vẫn còn ở ngưỡng rất cao. Thị trường trong nước sụt mạnh ở phiên đầu tuần trước không xuất phát từ yếu tố nội tại nên khi những thông tin tác động bên ngoài lắng xuống, yếu tố nội tại sẽ được nhà đầu tư quay lại xem xét. Bằng chứng là thị trường nhanh chóng hồi phục sau đó, lấy lại 35,75 điểm. Tuy nhiên, VN-Index vẫn ghi nhận tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Kết tuần, VN-Index giảm 12,96 điểm (-1,05%), xuống 1.223,64 điểm.
So với mức đáy ngắn hạn, VN-Index hồi lại 3% nhưng mặt bằng cổ phiếu có sức bật mạnh hơn, nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt như: Đầu tư công, dệt may, thực phẩm, chứng khoán, công nghệ… Đây sẽ là tín hiệu để dòng tiền tuần này quay thị trường khi nhiều cổ phiếu đã “xóa sạch” mức giảm ở phiên đầu tuần trước, thậm chí còn bật cao hơn. Về kỹ thuật, các cổ phiếu như vậy có xác suất tạo đáy sớm hơn thị trường chung.
Dòng tiền bắt đáy có dấu hiệu dịch chuyển sang nhóm bluechips. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua đạt 19.085 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng gần 4.000 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm khối ngoại bán ròng hơn 64.000 tỷ đồng. Khối tự doanh cũng chuyển sang bán ròng, giá trị bán ròng trên sàn HOSE trong tuần của khối tự doanh là hơn 1.032 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index trong tuần qua có thể kể đến FPT, VNM và HPG. FPT là mã có giá trị khớp lệnh lớn nhất trong tuần với giá trị khớp lệnh trung bình là hơn 685 tỷ đồng/phiên, theo sau là VNM và HPG, với giá trị khớp lệnh trung bình/phiên lần lượt là hơn 672 tỷ đồng và hơn 600 tỷ đồng.
Xét về kỹ thuật, VN-Index kết thúc phiên cuối tuần (9/8) đã tạo nến "Dragonfly Doji" cho thấy, dòng tiền bắt đáy đã có phần chủ động và quyết liệt hơn, đồng thời tâm lý giao dịch chung đã cải thiện khi độ rộng của thị trường đã nghiêng về số mã tăng nhiều hơn. Mặc dù vậy, áp lực cung giá cao nhiều khả năng sẽ sớm gia tăng tại các mốc kháng cự, gây rủi ro đảo chiều cho chỉ số.
Mở ra nhiều vị thế tích lũy cổ phiếu
VN-Index đã trở lại ngưỡng kỹ thuật quan trọng EMA200 ở khu vực 1.220 điểm, lấy lại một nửa số điểm đã mất kể từ đầu tháng 8, tạo động lực để chỉ số này hướng đến các ngưỡng cản ngắn hạn ở 1.238 điểm hoặc 1.240 điểm. Thanh khoản thị trường được dự báo sẽ tăng trong tuần này (12/8 – 16/8), vùng hỗ trợ cho chỉ số Vn-Index trong kịch bản cơ sở ở khu vực 1.205-1.208 điểm.
Nếu VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.238 – 1.240 điểm, có thể sẽ tiếp tục hồi phục, kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm. Trong khi đó, VN30 sẽ tiến lên quanh ngưỡng 1.280 điểm, tương ứng đường giá trung bình 120 phiên hiện nay.
Điểm tích cực là khi VN-Index biến động giảm mạnh quanh vùng 1.200 điểm mở ra nhiều vị thế tích lũy cổ phiếu chất lượng tốt. Theo Lumen Vietnam Fund, một đợt điều chỉnh tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán sẽ mang đến cơ hội tốt để đầu tư vào các cổ phiếu chất lượng với mức giá hấp dẫn hơn để có lợi nhuận dài hạn. Quan điểm của đại diện quỹ Lumen Vietnam là, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đứng vững, với triển vọng tích cực được hỗ trợ bởi nền kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Về định giá, hệ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là 14,57 lần, thấp hơn bình quân và trung vị 3 năm từ 6-8%, tạo dư địa để thị trường phục hồi sau khi kiểm tra lại thành công P/E ở khu vực 13,9 lần.
Theo Công ty chứng khoán MB, cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện như: Logistics, Đầu tư công, Dệt may, Dầu khí, Chứng khoán, Bất động sản khu công nghiệp...
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn