VN-Index kết thúc năm 2024 ở 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với 2023

Như vậy VN-Index đã tăng gần 137 điểm sau một năm, tương đương tỷ lệ 12,1%. Mức tăng này khả quan hơn so với năm 2023 (tăng hơn 10% so với cuối 2022). Vốn hóa sàn HOSE hiện đạt khoảng 5,2 triệu tỷ đồng.

Năm 2024, thị trường ghi nhận xu hướng tăng trong quý I rồi chuyển sang dao động lình xình suốt ba quý còn lại. Nhóm ngân hàng tăng mạnh trong tháng 1 dẫn dắt thị trường đi lên, nhưng khi điều chỉnh cũng gây áp lực ngược lại, khiến chỉ số chưa thể vượt mốc 1.300 điểm.

Chỉ số có đúng 2 phiên (12/6/2024 và 13/6/2024) đạt trên vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, rồi nhanh chóng điều chỉnh sau đó. Ngưỡng 1.300 điểm tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư mỗi khi VN-Index tiến lên vùng này.

HNX-Index kết thúc năm 2024 tại mức 227 điểm, giảm nhẹ 1,5% so với cuối 2023.

 Diễn biến VN-Index qua hai năm 2023-2024. (Biểu đồ: TradingView).

Về cổ phiếu ảnh hưởng, top 10 mã kéo tăng thị trường nhiều nhất năm 2024 gồm FPT, TCB, VCB, CTG, LPB, GVR, HVN, MBB, HDB, MWG, trong đó FPT đóng vai trò chủ đạo với 27 điểm. 2024 là năm giao dịch đầy hứng khởi của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, viễn thông theo xu hướng chung của toàn cầu.

Ngược lại, NVL, VRE, SSB, VIC, VND, VHM, ITA, DIG, VJC, VIX ghìm chân chỉ số nhiều nhất, trong đó NVL kéo giảm chỉ số 2,7 điểm.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch (cả khớp lệnh và thỏa thuận) trên HOSE phiên cuối năm đạt hơn 11.300 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 4,6 triệu tỷ đồng, bình quân phiên đạt 18.600 tỷ đồng. Thanh khoản tăng cao vào đầu năm song yếu dần về những tháng cuối năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên các tháng 9 -12 đạt quanh 15.000 tỷ đồng.

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ HOSE).

Về nhà đầu tư nước ngoại, họ chỉ mua ròng vào tháng đầu tiên và bán ròng suốt 11 tháng còn lại năm 2024 tạo ra một năm rút ròng kỷ lục. Tổng giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt hơn 90.000 tỷ đồng. Áp lực bán mạnh nhất rơi vào các tháng 5, 6 và 11. Quy mô rút ròng trên sàn HNX tạm ước tính là 1.063 tỷ đồng, trong khi thị trường UPCoM là 1.069 tỷ đồng. Nếu xét trên quy mô vốn hóa, Việt Nam là thị trường bị rút ròng mạnh nhất trong khu vực ASEAN.

Theo các nhà phân tích, động thái bán ròng của khối ngoại đến từ nhiều nguyên nhân như áp lực tỷ giá USD so với VND lên cao, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, AI, định giá chưa thực sự hấp dẫn trong khu vực, hay việc thị trường Việt Nam lỡ hẹn nâng hạng lên mới nổi…

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ HOSE).

Xem thêm tại vietnambiz.vn