VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm

Dù chưa thể lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên 5/8, nhưng đà hồi phục của VN-Index cởi bỏ phần nào áp lực tâm lý cho nhà đầu tư. Không còn cảnh đua lệnh bán tháo, chứng khoán trong nước phản ứng tích cực ngay trong giờ mở cửa, qua phiên ATO lập tức tăng 12 điểm, trở lại ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, thị trường sau đó một lần nữa bị thử thách trong phiên sáng, mốc 1.200 điểm nhiều thời điểm không thể giữ vững.

Qua giờ nghỉ trưa, nhiều cổ phiếu nới rộng đà tăng, sắc xanh bao phủ diện rộng, VN-Index một lần chinh phục lại mốc tâm lý 1.200 điểm. Rổ VN30 có tới 28/30 cổ phiếu tăng giá, đứng đầu nhóm dẫn dắt thị trường là VNM, đóng cửa tới 4,8%. Loạt cổ phiếu lớn tăng 3-5%, góp thêm lực kéo cho chỉ số chính, như BCM, STB, GVR, MSN, POW, SSI, PLX, TPB…

 VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm ảnh 1

Nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục.

Nhiều nhóm ngành ghi nhận hiệu suất tốt hơn mức hồi phục của thị trường, đáng chú ý có chứng khoán. Hơn 20 cổ phiếu tăng giá, BSI tăng trần. Dòng tiền hướng vào SSI, VIX, SHS, VND, HCM, FTS, VCI, MBS… FTS đóng cửa lên sát giá trần.

Một số mã nhỏ cũng ghi nhận đà tăng tốt, đóng cửa ở mức trần như HNG, DLG, LDG… HBC của Xây dựng Hòa Bình tăng 5,6%, ghi nhận lực cầu bắt đáy “giải cứu” sau thông tin anh trai ông Lê Viết Hải đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Ông Lê Viết Hưng - Cố vấn cao cấp của HBC - đăng ký mua trong thời gian từ ngày 8/8 - 6/9 với lý do bổ sung danh mục đầu tư. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Huyndai Elevator Co.,Ltd, cổ đông lớn của HBC vừa bán ra 5 triệu cổ phiếu HBC trước nguy cơ mã này bị hủy niêm yết.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 22,21 điểm (1,87%) lên 1.210,28 điểm. HNX-Index tăng 3,75 điểm (1,68%) lên 226,46 điểm. UPCoM-Index tăng 1,43 điểm (1,58%) lên 92,22 điểm. Thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước, xuống còn 13.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng tới 756 tỷ đồng, tập trung vào VJC, FPT, AGG, MWG.

Hôm nay, chứng khoán châu Á cũng ghi nhận hồi phục diện rộng, tiêu biểu là thị trường Nhật Bản khi Nikkei 225 kết phiên 6/8 tăng 10,23% lên mức 34.675 điểm. Topix cũng tăng 9,3%, đạt mức 2.434,21 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng trên 3%, trong khi Kosdaq vốn hóa nhỏ tăng hơn 5%.

Ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích, Chứng khoán VNDirect - nhận định, phiên giao dịch hôm qua tạo cơ hội mua vào tốt, dự báo triển vọng của thị trường cuối năm 2024 sẽ được cải thiện.

Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tác động không lớn đến Việt Nam. Nhật Bản chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam. Hầu hết khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là nguồn vốn hỗ trợ phát triển (giữa các Chính phủ) hay nguồn vốn FDI dài hạn, như khoản đầu tư 1,5 tỷ USD của SMBC vào VPBank. Dòng vốn này vốn không nhạy cảm với những biến động tiền tệ ở mức vừa phải giống như cách mà các dòng vốn ETF sẽ phản ứng.

Theo đó, tin tức hôm qua khó có thể gây ra nhiều thay đổi trong dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. “Tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư toàn cầu sẽ rời khỏi Việt Nam để chuyển sang Nhật Bản chỉ để nhận thêm được 25 điểm cơ bản lãi suất đồng Yên”, chuyên gia của VNDirect nhận định và cho rằng nhà đầu tư cần có các biện pháp quản trị rủi ro thật tốt, nhất là trong những phiên thị trường biến động rất mạnh như hôm qua.

"Tăng trưởng chậm lại của Mỹ có thể gây áp lực nhất định lên dự báo xuất khẩu (vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam). Trong khi đó, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra mạnh mẽ trong tháng 7. PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) đạt 54,7 điểm nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Trong kịch bản tích cực, VN-Index đóng cửa năm 2024 trên mức 1.400 điểm, tương ứng P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) đạt 14,8x hiện là khả thi", ông Barry cho biết.

Xem thêm tại tienphong.vn