VN-Index tiếp đà hồi phục nhờ lực kéo từ Bluechips

Thị trường chứng khoán nối tiếp đà hồi phục với diễn biến khởi sắc ngay từ đầu phiên cuối tháng 7 (31/7). Với trợ lực từ các mã bluechip sau kết quả kinh doanh quý II khả quan được công bố, cùng dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào các mã vừa và nhỏ giảm sâu thời gian qua giúp thị trường có phiên giao dịch tích cực. Sắc xanh lan tỏa gần khắp bảng điện. Trong phiên sáng, VN-Index tăng hơn 9 điểm với thanh khoản tăng mạnh so với 4 phiên liền trước.

VN-Index tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp.
VN-Index tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp.

Đà tăng sang phiên chiều bị thu hẹp lại khi bên bán và bên mua giằng co nhau. Sau cùng, phần thắng vẫn thuộc về bên mua nên chỉ số bảo toàn được sắc xanh đến cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index lên ngưỡng 1.251,51 điểm, tăng 6,45 điểm (+0,52%). Tâm lý thận trọng được thể hiện qua trạng thái phân hóa trên sàn HOSE với 206 mã tăng và 224 mã giảm. Nhóm Bluechips trong rổ VN30 tăng 0,88% trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMidcap) giảm 0,25% và vốn hóa nhỏ (VNSmallcap) cùng đi lùi (-0,65%).

Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HOSE tăng 22% so với phiên trước, lên mức cao nhất trong một tuần gần đây 15,3 nghìn tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu giao dịch tại HNX đạt hơn 45,9 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 943 tỷ đồng.

Hiện tại, dòng tiền đang có xu hướng luân chuyển qua các ngành. VN-Index đang tích lũy tích cực quanh 1.245 điểm, vận động ngắn hạn vẫn chưa xác nhận quá trình tích lũy giằng co đã kết thúc.

Nổi bật trong phiên giao dịch hôm nay có các cổ phiếu: HDB (+4%), VIB (+2,9%), VPB (+2,4%), VCB (+1,9%), BID (+1,7%), VNM (+5,8%), GAS (+3,5%)… VCB và VNM có đóng góp lớn nhất khi đóng góp hơn 4 điểm cho chỉ số chung.

Đã rất lâu, cổ phiếu VNM của Vinamilk mới có phiên bứt phá như vậy. Ngược lại, HVN, HBC, SMC giảm hết biên độ, HSG (-4,8%), VGC (-4%), PLX (-2,6%), HPG (-2,5%) đảo chiều từ vùng giá xanh.

Xét về nhóm ngành, mức tăng chung được đóng góp hầu hết bởi nhóm Ngân hàng (+1,21%). Ngành Năng lượng là nhóm có đà tăng mạnh nhất với 3.18% chủ yếu đến từ các mã BSR (+5.07%), PVD (+1.09%) và PVC (+0.73%). Theo sau là ngành Tiêu dùng thiết yếu và ngành Tài chính với mức tăng lần lượt là 1.36% và 1.07%. Ở chiều ngược lại, ngành Dịch vụ viễn thông có mức giảm mạnh nhất thị trường với -4.41% chủ yếu đến từ mã VGI (-5.48%), CTR (-3.45%), ELC (-0.21%) và FOX (-0.31%).

Ngoài ra, các nhóm Thép – Tôn mạ, có phiên điều chỉnh khá về điểm số. Cổ phiếu Thép diễn biến tiêu cực sau thông tin Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 30/7/2024, nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương thông tin ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ sau một thời gian xem xét yêu cầu của hai doanh nghiệp Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh và ý kiến các doanh nghiệp liên quan.

Giao dịch khối ngoại là điểm trừ hôm nay, khi khối này rút ròng 612 tỷ đồng, nhưng phần lớn giá trị đến từ giao dịch thỏa thuận của VIC (-906 tỷ đồng). Một vài mã VNM (+370 tỷ đồng), MWG (+101 tỷ đồng), FPT (+86 tỷ đồng) lại được mua ròng rất tích cực.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn