VN-Index tìm vùng cân bằng, hướng đến "sóng" kết quả kinh doanh quý 1

Tuần qua, thị trường chứng khoán có những chuyển động trái chiều với phiên mở đầu tăng mạnh giúp VN-Index vượt 1.240 điểm. Nhưng sau đó, thị trường lại đối mặt áp lực cung áp đảo, khiến VN-Index có thời điểm lùi về gần ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đã lấy lại được sự phục hồi trong hai phiên cuối tuần và chốt tuần tại 1.219 điểm, giảm nhẹ hơn 3 điểm so với tuần trước.

Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích, thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200-1.250 điểm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, phân tích việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1.240 điểm là động thái lành mạnh để dòng tiền có thể hấp thụ một phần lượng hàng “bắt đáy” giá rẻ. Hiện nay, thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung-cầu tại khu vực VN-Index 1.200-1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua. Bước sang nửa cuối tháng Tư, ông Hinh cho rằng thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang “bức tranh” kết quả kinh doanh quý 1.

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về mức thuế cao hơn dự kiến có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn đã kích hoạt thêm làn sóng bán tháo cổ phiếu.

“Trong bối cảnh thị trường đã về vùng ‘định giá rẻ,’ những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh từ các công ty niêm yết có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu. Theo đó, những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường,” ông Hinh trao đổi.

Ông Hinh dự báo với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng và xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 1 năm nay. Cùng với đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng-bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.

Về chiến lược giao dịch, ông Hinh khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để cơ cấu lại danh mục đầu tư và xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm. Trong đó, các nhà đầu tư có thể ưu tiên cổ phiếu cơ bản trong những ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý 1 tích cực như ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi, thủy sản và điện. Tuy vậy, ông Hinh khuyến cáo việc sử dụng đòn bẩy vẫn chưa được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu và thị trường chưa xác lập lại xu hướng tăng bền vững.

Sau tuần phục hồi tốt trước áp lực bán mạnh, thị trường ghi nhận những nỗ lực phục hồi ở các nhóm mã sau áp lực bán đột biến.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết độ rộng thị trường phục hồi sau giai đoạn giảm giá mạnh, thanh khoản đột biến lịch sử. Trong đó, các nhóm mã liên quan đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (như khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, cảng, nông nghiệp, dầu khí…) đã phục hồi khá tốt trở lại trong những phiên cuối tuần.

Bên cạnh đó, ông Nhật cũng chỉ ra nhiều mã công nghệ, khu công nghiệp, dệt may… vẫn giảm khá mạnh so với tuần trước. Mặt khác, thanh khoản thị trường giảm với khối lượng giao dịch trên sàn HoSE giảm nhẹ, điều này thể hiện mức độ phục hồi vẫn khá kém ở nhiều mã và nhóm mã.

Điểm đáng lưu ý, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 4.808,7 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2505 giảm 17 điểm (-1,30%), đóng cửa tại 1.290 điểm. Theo ông Nhật, sự chênh lệch đáng kể giữa VN30F2505 (-16,24 điểm) và VN30 cùng với biên độ dao động lớn ở các kỳ hạn xa hơn (từ -15,74 đến +3,35 điểm), phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư do kết quả đàm phán thuế quan Việt-Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ.

Về kỹ thuật, ông Nhật nhận định xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn suy giảm dưới vùng kháng cự 1.250-1.270 điểm. Chỉ số này đang nổ lực phục hồi và tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 1.200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ tâm lý mạnh, vùng giá trung bình trong 5 năm qua cũng như vùng giá cao nhất năm 2018 cũng như thấp nhất tháng 11/2024.

“Thị trường đang dần cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh. Những thông tin kết quả kinh doanh quí 1 đã và sẽ tiếp tục công bố đang hỗ trợ tích cực hơn đến tâm lý của nhà đầu tư. Bên cạnh kỳ vọng sẽ có thông tin về đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường,” ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, nhiều mã chứng khoán hiện vẫn tương đối hấp dẫn so với yếu tố nội tại của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng dài hạn. Do đó, nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng hợp lý với mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược và tăng trưởng vượt trội trong nền kinh tế./.

Xem thêm tại vietnamplus.vn