Ngưỡng 1.240 điểm rất có ý nghĩa
Sau phiên giảm điểm mạnh phiên thứ Hai và chững lại trong phiên thứ Ba, khả năng chiến thắng của ông Donald Trump tại kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã kích hoạt dòng tiền tại một số nhóm ngành vào phiên giữa tuần, khi phần lớn nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc ông Trump đắc cử.
Đáng kể là nhóm khu công nghiệp, xuất khẩu, cảng biển, thủy sản, dệt may. Nhóm bất động sản, viễn thông, công nghệ cũng có bước tăng khá mạnh.
Dù vậy, dòng tiền không lan tỏa đến các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, thép, khiến VN-Index thu hẹp đà hồi phục đáng kể trong phiên cuối tuần, đóng cửa tại 1.252,56 điểm, thấp hơn mức điểm cuối tuần liền trước.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có xu hướng dao động thăm dò trong biên độ 1.240 - 1.270 điểm. Ngưỡng 1.240 điểm rất có ý nghĩa khi đây là ngưỡng đã nhiều lần hỗ trợ chỉ số trong quá khứ.
Tuy nhiên, diễn biến tăng điểm trong những phiên giữa tuần tạm thời vẫn mang tính chất kỹ thuật, dòng tiền phân hóa mạnh, độ lan tỏa còn hạn chế. Do đó, thị trường chưa hoàn toàn xác nhận đáy quanh 1.240 điểm và có rủi ro lùi trở lại để kiểm tra ngưỡng 1.240 điểm. Không loại trừ khả năng chỉ số điều chỉnh xa hơn về vùng 1.180 - 1.200 điểm.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng, dù VN-Index đang ở gần ngưỡng hỗ trợ mạnh. Nếu chỉ số dao động trong vùng 1.240 - 1.250 điểm, đây có thể là cơ hội mở vị thế thăm dò ở các nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, nhưng vẫn nên tránh giải ngân lớn.
Chú ý giữ vững nguyên tắc quản lý rủi ro và duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý để ứng phó với những biến động bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền hạn chế và xu hướng giảm chi phối. Các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm bao gồm thép (HPG), ngân hàng (TCB, MBB, VCB), cảng biển (GMD, HAH).
Bất động sản công nghiệp - Tầm nhìn dài hạn
Trong năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp niêm yết gặp phải không ít thách thức, nhưng vẫn cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh, nhờ các yếu tố hỗ trợ từ đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển hạ tầng công nghiệp.
Doanh thu của các doanh nghiệp khu công nghiệp lớn nhìn chung có mức tăng trưởng nhẹ nhờ vào nhu cầu thuê đất từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng như Hàn Quốc, Nhật Bản, một số quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn gặp áp lực do cấu trúc tài chính nhiều nợ vay của nhóm doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp ở phía Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn như IDC, NTC, SZC đang ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhờ nhu cầu của khách hàng và sự thuận lợi về logistics.
Một điểm đáng chú ý nữa là chính sách của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc giúp cải thiện khả năng kết nối các khu công nghiệp, thúc đẩy nhu cầu thuê đất và nhà xưởng. Việc phát triển hạ tầng cũng thúc đẩy hình thành các khu dân cư, tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp.
Xét riêng tốc độ bàn giao đất của các khu công nghiệp, tốc độ bàn giao trong quý III vừa qua có xu hướng chậm lại.
Nguyên nhân một phần là do các cuộc bầu cử lớn trên thế giới đang bước vào giai đoạn cuối cùng, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng chờ đợi các chính sách rõ ràng hơn để ra quyết định giải ngân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang có lượng hợp đồng ký trước lớn, có thể hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận trong các quý tới.
Nhìn chung, tiềm năng của các khu công nghiệp vẫn còn rộng mở, nhưng trong giai đoạn hiện tại có thể chứng kiến sự suy giảm trong tăng trưởng, điểm rơi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có thể phải chờ đến đầu năm 2025.