VN-Index tuột đỉnh, thị trường có rơi sâu?
Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần giao dịch đầy biến động. Nỗ lực giữa tuần giúp VN-Index lấy lại vùng 1.300 điểm sau 2 năm. Tuy nhiên, thành quả này nhanh chóng bị xoá tan bởi áp lực chốt lời mạnh trong phiên cuối tuần. VN-Index đóng cửa tuần ở mức 1.279,91 điểm, tương ứng giảm tổng cộng 7,67 điểm (-0,6%) so với tuần trước.
Không giữ được mốc 1.300 điểm
Nhà đầu tư nước ngoài tăng quy mô bán ròng với giá trị 5.525 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung ở các cổ phiếu đầu ngành như FPT (1.797 tỷ đồng), VHM (716 tỷ đồng), HPG (459 tỷ đồng), VNM (420 tỷ đồng), VRE (382 tỷ đồng).
Sang phiên đầu tuần mới (17/6), đà giảm tiếp tục kéo dài khi VN-Index tiếp tục mất thêm hơn 5 điểm về mốc 1.274,77 điểm.
Không giữ được mốc 1.300 điểm, VN-Index tiếp tục giảm. |
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang đối diện với nhiều rủi ro. Nếu giảm mạnh tiếp, thách thức lớn hơn sẽ xuất hiện từ áp lực bán của nhóm nhà đầu tư chưa kịp phản ứng và hiệu ứng call margin (bán giải chấp) có thể kích hoạt.
Chuyên gia của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định, áp lực bán mạnh phiên cuối tuần trước đã xóa nhòa nỗ lực tăng điểm 2 tuần qua của VN-Index. Điều đáng lo ngại hơn là ở phiên giảm điểm này, lực bán dồn dập vào phiên ATC và thanh khoản cuối phiên tăng cao.
Tương tự, nhóm phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng sau chuỗi tăng và phân hóa, chớm vượt mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm, việc VN-Index giảm mạnh kèm thanh khoản tăng trong phiên cuối tuần cho thấy áp lực phân phối giá thấp đã trở nên rõ ràng hơn. Tín hiệu này có ý nghĩa khá tiêu cực với xu hướng ngắn hạn của chỉ số. Nhiều khả năng VN-Index sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.270, rủi ro chỉ số có thể sớm đảo chiều sau đó.
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, nhiều chuyên gia đồng thuận rằng nhịp điều chỉnh của thị trường là lành mạnh và cần thiết cho nhịp tăng dài hạn và bền vững.
Thực tế, thị trường đã có đà phục hồi ấn tượng trong khoảng 2 tháng vừa qua từ đợt suy giảm mạnh giữa tháng 4. VN-Index tăng một mạch 140 điểm trong thời gian ngắn và chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Đà tăng thị trường trong nhịp tăng này được đánh giá là rất lành mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu vượt đỉnh và cho tỷ suất lợi nhuận rất tốt.
Tuy nhiên, điểm trừ trong đợt tăng giá lần này là đà bán ròng quyết liệt của khối ngoại. Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đã làm rất tốt khi cân hết lực bán của khối ngoại và đưa thị trường vượt đỉnh cũ. Việc khối ngoại bán ròng dù rất đáng lưu tâm nhưng giai đoạn bán ròng kịch liệt đã qua đi và những cổ phiếu tốt, triển vọng vẫn sẽ có lực cầu cân đối.
Đặc biệt, thị trường có vẻ sẽ vắng thông tin hỗ trợ trong 2-3 tuần tới cho đến khi các số liệu vĩ mô quý II được công bố và mùa kết quả kinh doanh quý II. Thị trường có thể tạm nhúng xuống, tích lũy, lấy đà và đợi những thông tin mới phản ánh vào giá để có động lực tiếp tục tăng giá.
“Thị trường chịu phiên bán chốt lời phiên cuối tuần là cần thiết để tích lũy chắc chắn hơn trong bối cảnh thông tin hỗ trợ từ nay đến cuối tháng không còn gì nhiều, trong khi đó khối ngoại vẫn là ẩn số. Thị trường điều chỉnh về vùng cầu dày hơn là điều tốt để chuẩn bị cho một nhịp tăng mới”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh DSC nhìn nhận.
Đón “sóng” kết quả kinh doanh quý II
Về chiến lược ngắn hạn, chuyên gia DSC khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng margin và có lượng tiền nhất định để chủ động trước mọi kịch bản. Nếu thị trường về sát hỗ trợ 1.240-1.250 sẽ là cơ hội vào hàng cho nhịp mới. Nếu thị trường không về vùng kỳ vọng mà vẫn neo quanh đỉnh thì cũng không có vấn đề gì, nhà đầu tư nên kiên nhẫn đợi số liệu vĩ mô và kết quả kinh doanh để có hướng hành động mới.
Theo giới phân tích, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2024 được dự báo nối tiếp đã tăng trưởng trong quý I nhưng có sự phân hóa rõ nét hơn.
Dựa trên kỳ vọng lợi nhuận quý II/2024 tăng trưởng tốt, vậy nhóm cổ phiếu nào đáng được quan tâm?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS) tin rằng, nửa sau của năm mới là giai đoạn chứng kiến sự hồi phục lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành, mặc dù vậy vẫn sẽ có những ngành ghi nhận tín hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn và chính trong một ngành cũng ghi nhận sự phân hóa giữa các doanh nghiệp.
“Kết quả kinh doanh sẽ có xu hướng tốt hơn đối với các nhóm ngành bán lẻ, du lịch - nhóm đã có sự suy giảm mạnh trong suốt năm 2023, giá cổ phiếu của các nhóm này cũng đã hồi phục khá nhờ triển vọng tích cực. Một số nhóm ngành tài chính và bất động sản cũng đáng chú ý. Để lựa chọn dựa trên triển vọng lợi nhuận quý II, tôi sẽ ưa thích nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm ngành xuất khẩu và ngân hàng”, bà Liên khuyến nghị.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank Investment Bank đánh giá ngành công nghệ là một ngành tăng trưởng khủng khiếp nhất trong 2 năm vừa qua, nhiều cổ phiếu ngành này bất chấp sàn tăng hay giảm vẫn chỉ có một chiều là tăng giá, thậm chí chứng khoán Mỹ lập đỉnh lịch sử vài chục lần trong năm nay thì những mã nhóm này cũng liên tiếp phá đỉnh kỷ lục. Do đó, nhóm này trong ngắn hạn và trung hạn vẫn còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Các nhóm ngành như năng lượng (sạch xanh, tái tạo), vận tải (vận tải hàng không), bất động sản, tiêu dùng nhiều khả năng tiếp tục là những ngành tiềm năng sắp tới.
Còn ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Chứng khoán VPS nhận xét nhiều nhóm cổ phiếu duy trì mức tăng trưởng từ ổn định lên mức phục hồi mạnh và ấn tượng, qua đó nhóm có kết quả kinh doanh tốt trên nền thấp năm 2023 như ngành thép, bán lẻ, tiện ích cho đến nhóm có mức tăng trưởng khả quan như nhóm công nghệ viễn thông, hoá chất, dầu khí... là những cổ phiếu đáng quan tâm.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn