Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình ‘vênh’ hơn 60 lần có bất thường?

Tuần qua, chỉ số VN-Index tăng 2,29 điểm, lên mức 1.284,09 điểm và lũy kế cả quý I khá tích cực khi tăng mạnh (13,64%) so với cuối năm 2023. Trong tuần, thanh khoản trên HoSE chỉ đạt 124.049 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với tuần trước. HNX-Index kết tuần ở mức 239,54 điểm, tăng 3,04 điểm so với tuần trước và lũy kế cả quý I tăng 4,99% so với cuối năm 2023. Thanh khoản của sàn HNX cũng giảm hơn 24%, đạt 10.110 tỷ đồng.

Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 130,56 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 4.719 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài quay ra bán ròng 1,27 triệu đơn vị nhưng tổng giá trị vẫn là mua ròng hơn 37 tỷ đồng, giảm gần 59% so với tuần trước.

Trên thị trường Upcom, khối ngoại cũng trở lại mua ròng 6,73 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng hơn 115 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 25 - 29/3 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 125,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng gần 4.567 tỷ đồng.

Báo cáo tự lập lên tới hơn 5.500 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được đơn vị kiểm toán thông qua.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình ‘vênh’ hơn 60 lần có bất thường? ảnh 1

Một dự án của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của HBC, vốn chủ sở hữu ghi nhận 93 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với doanh thu và quy mô của một tập đoàn xây dựng hàng đầu. Trong khi đó, tại báo cáo quản trị 2023, công ty tự lập vốn chủ sở hữu hơn 5.500 tỷ đồng, cao gấp hơn 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, sự chênh lệch rất lớn giữa vốn chủ sở hữu của Hòa Bình so với báo cáo tài chính kiểm toán là do đơn vị kiểm toán áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng. Từ đó, vốn chủ sở hữu trong báo cáo quản trị do công ty tự lập cao hơn hơn 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán.

Báo cáo quản trị của Hòa Bình là báo cáo do khối tài chính kế toán của tập đoàn lập, dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường và của HBC.

Theo tập đoàn này, trong báo cáo quản trị chỉ xác định những số liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu của HBC, chưa phù hợp với thực tế khi áp dụng chế độ kế toán của Việt Nam chứ không thay đổi bất cứ một số liệu nào khác. Có bốn nguyên nhân chính khiến vốn chủ sở hữu hợp nhất trong báo cáo quản trị của HBC chênh lệch lớn so với báo cáo tài chính kiểm toán.

Thứ nhất, theo báo cáo quản trị của HBC, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo giá mua ban đầu). Thực tế, thị trường địa ốc ở Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 báo cáo, chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng nhưng giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng. Sự chênh lệch này lên đến 15 lần.

Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong báo cáo tài chính kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu, từ đó khiến cho vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo báo cáo quản trị thì giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng, trong khi theo báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ghi nhận theo giá gốc là 2.470 tỷ đồng, chênh lệch hơn 2.300 tỷ đồng.

Thứ hai, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính, gồm giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của máy móc thiết bị. Nhiều máy móc thiết bị đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt. Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá (giá mua trước đây) cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của máy móc thiết bị là rất lớn giữa 2 báo cáo. Theo đó sự chênh lệch này lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Thứ ba, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo báo cáo quản trị Hòa Bình đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của Hòa Bình. Theo lịch sử, chưa bao giờ Hòa Bình xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể là 1.450 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình ‘vênh’ hơn 60 lần có bất thường? ảnh 2

Tổng cộng chênh lệch của vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo quản trị là 5.445 tỷ đồng.

Thứ tư, tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu. Những đánh giá của HBC còn dựa vào lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo quy định đã lập dự phòng 100%) của FLC, không những thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của tòa án là hơn 650 tỷ.

“Tổng cộng chênh lệch của vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo quản trị là 5.445 tỷ đồng, cộng với vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo tài chính kiểm toán là 93 tỷ đồng. Vậy, vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo quản trị là 5.538 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán”, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - thông tin.

Năm 2023, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm, doanh thu của Hòa Bình chỉ hơn 7.500 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch. Tập đoàn Hòa Bình cho biết đạt doanh thu không như kế hoạch đề ra là do năm 2023 quá khốc liệt, nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản khiến Hòa Bình cũng thành nạn nhân.

Cổ phiếu HAG vẫn giữ nguyên diện cảnh báo

HoSE vừa có thông báo về việc giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Trước đó, cổ phiếu HAG thuộc diện cảnh báo theo quyết định số 740/QĐ-SGDHCM ngày 7/10/2022 của HoSE.

Đến nay, HAG vẫn bị giữ nguyên diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là âm hơn 1.669 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Cổ phiếu chưa đáp ứng quy định quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Bình ‘vênh’ hơn 60 lần có bất thường? ảnh 3

Nam A Bank bổ nhiệm 2 nhân sự cấp cao.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, Công ty TNHH Ernst &Young Việt Nam có nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế của HAG là hơn 1.669 tỷ đồng và tại thời điểm ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn của Tập đoàn này đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền gần 942 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Nam A Bank (mã chứng khoán: NAB) vừa phân công ông Trần Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.

NAB cũng bổ nhiệm ông Trần Khải Hoàn - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng Giám đốc thường trực vào vị trí quyền Tổng giám đốc Nam A Bank.

Xem thêm tại tienphong.vn