Vốn hóa FPT chỉ còn kém Vingroup chưa đến 1 phiên trần
Sau cái bắt tay với NVIDIA, cổ phiếu FPT bất ngờ có phiên tăng kịch trần lên lập đỉnh mới 120.100 đồng/cp trong phiên 24/4. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục 152.523 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ (tương ứng 25%) so với đầu năm 2024. Đà bứt phá giúp FPT thu hẹp đáng kể khoảng cách với top 10 vốn hóa trên sàn chứng khoán.
So với cái tên xếp thứ 10 trong danh sách các doanh nghiệp giá trị nhất thị trường là Vingroup (VIC), giá trị vốn hóa của FPT chỉ còn kém 6.500 tỷ, tương đương khoảng 4%, tức là chưa bằng một phiên trần. Không loại trừ khả năng sẽ có cuộc "đổi ngôi" thứ tự vốn hóa giữa 2 tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam trong tương lai gần.
FPT từng là cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán vào năm 2006. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam sau đó đã mất dần vị thế khi làn sóng doanh nghiệp Nhà nước và một loạt "bom tấn" tư nhân lên sàn trong giai đoạn 2007-08 mà Vingroup là một trong những cái tên đáng chú ý nhất.
Vingroup tiền thân là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, Vincom và Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup – Công ty CP.
Từ khi niêm yết trên HoSE vào tháng 9/2007, Vingroup của luôn nằm trong top những doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán. Thậm chí, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng còn nhiều năm giữ vị trí số 1 thị trường với giá trị vốn hóa có thời điểm lên đến hơn 20 tỷ USD vào tháng 4/2021. Khi đó, vốn hóa của Vingroup gấp 8 lần FPT.
Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi chóng mặt từ cuối năm 2021 khi mà lĩnh vực công nghiệp – công nghệ được định hướng trở thành mũi nhọn của Vingroup nhưng chưa đem lại lợi nhuận, dù VinFast đã có những dấu ấn nhất định. Đến nay, vốn hóa của tập đoàn này chỉ còn khoảng 1/3 so với thời đỉnh cao.
Ờ chiều ngược lại, FPT lại không ngừng tăng trưởng. FPT là một trong những cổ phiếu đi lên bền bỉ nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong một thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu này chỉ có duy nhất một năm 2018 là không tăng trưởng. So với thời điểm 10 năm trước, FPT đã tăng gấp hơn 11 lần, tương đương hiệu suất trung bình 27%/năm.
Động lực thúc đẩy cổ phiếu FPT đi lên bền bỉ đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, duy trì trong thời gian dài. Kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, FPT liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Năm 2023 vừa qua, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt hơn 52.600 tỷ và lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, cùng tăng 20% so với năm trước và đều là mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Bước sang năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước. Quý đầu năm, FPT đã thực hiện khoảng 23% kế hoạch đề ra.
Dù vậy, cần phải lưu ý rằng, cổ phiếu FPT sau khi tăng nóng có thể sẽ đối mặt với áp lực chốt lời mạnh. Ngược lại, cổ phiếu VIC của Vingroup có thể sẽ hút tiền khi đã chiết khấu sâu từ đỉnh, đặc biệt nếu có thêm luồng thông tin hỗ trợ tích cực đến từ hoạt động của VinFast, Vinhomes hay kế hoạch niêm yết của Vinpearl. Vì thế, khoảng cách vốn hóa giữa FPT và Vingroup trông có vẻ rất gần nhưng cũng có thể sẽ không dễ bắt kịp trong ngân hạn.
Xem thêm tại cafef.vn