Chứng khoán trong nước bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch. Sau phiên tăng mạnh hôm qua, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “hạ nhiệt”. VN-Index theo đó không thể giữ được mức tăng tốt, diễn biến tương đối giằng co. Thị trường phân hóa rõ rệt, HoSE có 212 cổ phiếu giảm giá, 244 mã tăng giá.
Giao dịch của nhóm ngân hàng "nguội" đi đáng kể. |
Diễn biến VN-Index chịu sự chi phối từ nhóm VN30. Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30, nhưng mức tăng khiêm tốn, quanh tham chiếu. CTG, HDB tăng mạnh nhất chỉ đạt 1,5%. Trên HoSE, đây cũng là 2 mã ngân hàng có mức tăng cao nhất ngành, dù vậy, tác động đến VN-Index không lớn. Một vài cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh, TPB, LPB, VCB, OCB, SHB lui về sắc đỏ. VCB trở thành cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất VN-Index trong cả 2 phiên giao dịch gần đây.
Dòng tiền cũng không còn tập trung ở nhóm ngân hàng. NVL soán vị trí đầu về thanh khoản, nhưng giao dịch chỉ 556 tỷ đồng. Nhóm chứng khoán cũng được quan tâm, chiếm áp đảo trong nhóm dẫn đầu thanh khoản, với SSI, VIX, VND, VCI. Nhóm blue-chips, các mã thanh khoản cao, vốn hóa lớn không đủ mạnh để kéo chỉ số, sau khi cổ phiếu ngân hàng “nguội” đi.
Các ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu... không ghi nhận giao dịch đáng chú ý. Các mã nhỏ, vừa cũng chung trạng thái ảm đạm. HNG tiếp tục giảm mạnh 4,18%. Chỉ qua 1 tuần, cổ phiếu này giảm hơn 18% sau khi bị HoSE lưu ý khả năng hủy niêm yết . HNG đã trả qua 2 năm thua lỗ liên tục và cổ phiếu đang thuộc diện bị kiểm soát. Cùng với HNG, HBC, POM cũng bị lưu ý khả năng rời sàn vì liên tục chậm nộp báo cáo tài chính năm (đã kiểm toán).
Sau thông báo của HoSE, các doanh nghiệp đã lên tiếng. Cả HBC và POM cho biết đây chỉ là lời nhắc nhở của HOSE về việc công ty cần lưu ý phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đúng hạn
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,42 điểm (0,2%) lên 1.188,48 điểm. HNX-Index tăng 0,35 điểm (0,15%) lên 230,63 điểm. UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (0,37%) lên 88,86 điểm. Thanh khoản sụt giảm đáng kể, giá trị giao dịch HoSE giảm xuống còn 14.623 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, giá trị hơn 480 tỷ đồng, tập trung vào SHS, VHM, GEX, HPG, VCB, MSN...
Lịch nghỉ giao dịch chứng khoán dịp Tết Nguyên đán
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố lịch nghỉ giao dịch chứng khoán dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thị trường chứng khoán sẽ tạm nghỉ giao dịch trong 7 ngày, bắt đầu từ ngày 8/2 (tức 29 Tết) đến hết ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết). Lịch nghỉ của thị trường tương đồng với ngày nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.