Vụ Trịnh Văn Quyết: Lộ diện 2 ngân hàng trong ‘vòng quay’ nâng vốn điều lệ của Faros
VKS Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, có 51 người bị truy tố.
Cáo trạng nêu rõ hành vi nâng khống vốn điều lệ tại Công ty Faros - khởi đầu cho quá trình đưa ROS lên niêm yết, thao túng giá cổ phiếu của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Từ khi bắt đầu đến lúc lên sàn, Faros có 6 lần tăng vốn điều lệ giai đoạn 2012-2016, từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Các đợt tăng vốn của công ty Faros, phần lớn đều xảy ra việc cổ đông không góp thực tiền tăng vốn.
Kết luận điều tra cho thấy các bị can đã dùng các ủy nhiệm chi khống để hợp thức hóa dòng tiền, hoặc dùng các phương thức luân chuyển tiền để tăng vốn.
Trong các “vòng quay vốn”, vòng quay lần thứ nhất khi FLC Faros tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng là vòng quay thể hiện rõ nhất việc các bị can dùng các ủy nhiệm chi và giấy rút tiền để "quay vòng" đưa tiền vào tăng vốn.
Đợt tăng vốn thứ nhất của FLC Faros có dấu ấn của các ngân hàng, các giao dịch viên và kiểm soát viên trong quá trình Trịnh Thị Minh Huế và những người liên quan "xoay" tiền.
Để tăng vốn, Trịnh Thị Minh Huế chỉ đạo Trịnh Văn Đại, Hoàng Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Mạnh ký khống sẵn 14 ủy nhiệm chi với nội dung chuyển tiền góp vốn vào tài khoản của Faros (tổng 223,5 tỷ đồng).
Sau đó lại chỉ đạo Nguyễn Tiến Dũng (Tổng Giám đốc Faros), Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Kế toán công ty KLF), Nguyễn Minh Tú (Kế toán công ty CFS) ký khống sẵn 11 chứng từ là các giấy rút tiền mặt ra khỏi công ty Faros (tổng 223,5 tỷ đồng).
Quy trình, Huế sử dụng 35 tỷ đồng tiền mặt, cùng giấy nộp tiền mặt để nộp tiền vào tài khoản mang tên Hoàng Thị Thu Hà ở Ngân hàng Vietinbank (CTG) chi nhánh Tây Hà Nội. Vài ngày sau dùng UNC được ký khống chuyển tiền 35 tỷ đó sang tài khoản khác cũng mang tên Hoàng Thị Thu Hà mở tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội để bắt đầu quay vòng góp vốn.
Từ BIDV, Huế dùng các chứng từ ký khống sẵn làm thủ tục chuyển 35 tỷ đồng từ tài khoản của Hà vào tài khoản của Công ty Faros mở tại BIDV (BID) chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội. Sau đó ngay lập tức dùng các giấy rút tiền mặt ra, chia nhỏ, rồi nộp lại vào các tài khoản cá nhân trên và lại chuyển vào tài khoản công ty Faros theo hình thức góp vốn mua cổ phần.
Sau 8 lần quay chuyển luân vòng, số tiền của Công ty Faros tăng thêm 223,5 tỷ đồng, làm tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng. Đồng thời với việc tăng vốn cũng phát sinh việc rút toàn bộ tiền mặt ra khỏi tài khoản của Faros. Tiền mặt rút ra này được hạch toán vào tài khoản tiền mặt, dù thực tế không có tiền thật. Với số tiền mặt ban đầu 35 tỷ đồng, sau các lần quay, Huế “thu lại”.
Với “tiền mặt tại quỹ” Huế thực hiện các thủ tục “ứng trước” và ủy thác đầu tư để chi tiền mặt ra nhằm cân đối quỹ (dù quỹ không có).
Cáo trạng chỉ rõ, có 13 giao dịch viên, kiểm soát viên ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo các chứng từ được ký sẵn để công ty Faros tăng vốn.
Cơ quan điều tra xác định không có sự thông đồng, bàn bạc giữa Trịnh Thị Thúy Nga với nhóm cán bộ ngân hàng nên không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với nhóm này. Tuy vậy cơ quan điều tra lập danh sách, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn