Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Tài sản kê biên lộ diện 82% cổ phần Bảo hiểm FWD
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan. Giai đoạn 2 của vụ án được điều tra mở rộng từ giai đoạn 1, nên nhiều vấn đề, sự kiện được tiếp nối.
Danh sách tài sản kê biên liên quan bị can Trương Mỹ Lan trong giai đoạn 2 cho thấy ngoài tiền, tài khoản ngân hàng, cổ phần sở hữu trực tiếp, còn có nhiều cổ phần tại các doanh nghiệp đã được nhắc tới tại tòa xử án giai đoạn 1.
Kê biên 82% vốn cổ phần của Bảo hiểm FWD
Trong số các tài sản kê biên giai đoạn 2, có 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (tương đương 492 tỷ đồng). Đây là số cổ phần do Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP giao cho Chứng khoán TVSI cùng một số cá nhân, pháp nhân đứng tên sở hữu. Số tài sản này vừa bị kê biên ngày 28/5/2024.
Kết luận điều tra cũng ghi thêm, 18% cổ phần còn lại tại Bảo hiểm FWD do Hồ Quốc Minh và Nguyễn Tiến Thành nắm giữ. Hồ Quốc Minh đã xuất cảnh, còn Nguyễn Tiến Thành đã chết.
Đáng chú ý, cái tên Hồ Quốc Minh, dù không nằm trong danh sách bị can bị khởi tố cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nhưng rất nổi tiếng trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Hồ Quốc Minh xuất hiện trong giao dịch giữa Sunny Island với Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên quan khoản phải trả 2.882 tỷ đồng; xuất hiện trong giao dịch giữa Trương Mỹ Lan và đại gia Nguyễn Cao Trí; xuất hiện trong giao dịch giữa Trương Mỹ Lan và nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Tuần Châu của "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển.
Liên quan cổ phần tại Bảo hiểm FWD, bị can Trương Mỹ Lan trình bày, đã mua lại 100% phần vốn góp nêu trên với giá 920 tỷ đồng.
Trước đó tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị, với cổ phần công ty FWD, tòa nên xem xét lại giá cổ phần để thu hồi, khắc phục.
>. Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn Hồ Quốc Minh, người có mối quan hệ với cả Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Cao Trí
"Long đong" số phận Bảo hiểm FWD
Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI), thành lập ngày 23/10/2008, là công ty 2 thành viên trở lên. Vietcombank – Cardif (VCLI) là thành quả của liên doanh giữa ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB); BNP Paribas Cardif (tên trước đây là Cardif SA) - một công ty được thành lập tại Pháp; và ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán SSB).
VCLI được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tử kỳ và các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn, tái bảo hiểm nhân thọ, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và các hoạt động đầu tư khác.
Là “đứa con cưng” của Vietcombank, VCLI từng một thời được nhắc tới khi được giới thiệu ngay tại các điểm giao dịch của ngân hàng này.
Tuy vậy tháng 4/2020, Vietcombank chính thức ra thông báo đổi chủ, Bộ Tài chính đã chấp thuận về nguyên tắc việc chuyển nhượng vốn tại VCLI sang cho Tập đoàn FWD. Tập đoàn FWD là Tập đoàn bảo hiểm trực thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group có hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia…
Cuộc chuyển giao cũng không làm khách hàng quá lo lắng khi Vietcombank cam kết không ảnh hưởng đến khách hàng hiện hữu, tất cả các hợp đồng bảo hiểm sẽ được FWD tiếp quản và chăm sóc đúng với hợp đồng đã ký. Cái tên VCLI “biến mất”, thay vào đó, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam.
Về với Tập đoàn FWD không lâu, tháng 3/2022 bảo hiểm FWD công bố thông tin đã được Bộ tài chính chấp thuận về nguyên tắc về việc chuyển đổi chủ sở hữu sang 1 nhóm 11 nhà đầu tư, được đại diện bởi Chứng khoán Tân Việt. Chứng khoán Tân Việt cũng được thông báo là bên đại diện của các chủ sở hữu để làm thủ tục chuyển quyền.
Theo xác nhận giữa FWD Life Insurance và TVSI, ngày 8/6/2022, quyền sở hữu của công ty đã được chuyển giao hoàn toàn sang các nhà đầu tư mới. Tuy vậy, không suôn sẻ như lần Vietcombank chuyển giao, ở lần chuyển nhượng này, vấn đề “chốt cuối” là cái phê duyệt thay đổi chủ sở hữu và điều chỉnh giấy phép hoạt động của Bộ Tài chính lại chưa có.
Trạng thái “mập mờ” này kéo dài đến nay đã 2 năm, công ty vẫn đang trong quá trình “cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn”.
Thêm thông tin 82% vốn cổ phần Bảo hiểm FWD bị kê biên trong đại án Vạn Thịnh Phát, những khách hàng của công ty bảo hiểm từng là “con cưng” của Vietcombank sẽ ra sao?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn