Vượt qua Trung Quốc, Việt Nam trở thành quốc gia có số người giàu tăng nhanh nhất thế giới
Thông tin này được tiết lộ trong báo cáo gần đây của New World Wealth, một công ty báo cáo tài sản toàn cầu có trụ sở ở Nam Phi, và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners có trụ sở ở Anh. Đây là báo cáo thống kê về số lượng người giàu có tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên trong giai đoạn từ năm 2013 – 2023.
Theo báo cáo này, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng triệu phú USD, với hơn 5,4 triệu người. Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ lại dẫn đầu. Cụ thể, tính đến cuối năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam đạt 19.400 người, tương ứng với mức tăng 98% trong 10 năm qua. Trong số đó, 58 người có số tài sản hơn 100 triệu USD và 6 người là tỷ phú USD ở Việt Nam.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 của Forbes công bố đầu tháng 4, Việt Nam có 6 tỷ phú USD, bao gồm gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng về số lượng triệu phú của Việt Nam tăng cao là do mức nền so sánh ban đầu thấp, tức là chỉ gần 9.800 người vào năm 2013. Thế nhưng, theo New World Wealth và Henley & Partners, sự tăng trưởng nhanh chóng về triệu phú ở Việt Nam lại cho thấy sự thành công về kinh tế gần đây. Đây cũng là minh chứng cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
Vào tháng 2/2024, New World Wealth từng đưa ra dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, lên đến 125% trong 10 năm tới. Nhà phân tích Andrew Amoils của New World Wealth đánh giá rằng, con số trên là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về cả GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Trên thực tế, ngoại trừ hai năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn từ 2013 – 2023. Theo báo cáo trên, mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam từ mức 1.960 USD một người vào 2013 lên 4.284 USD năm 2023, tức là tăng gần 2,2 lần.
Mới đây nhất, theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng 6,42% và chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của nửa năm đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Về dự báo về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024, theo đánh giá trong báo cáo triển vọng đầu tư nửa cuối năm do Khối Dịch vụ Private Banking Toàn cầu HSBC mới đây phát hành, Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm vì chu kỳ điện tử toàn cầu phục hồi và FDI tiếp tục tích cực.
Top 5 quốc gia có nhiều triệu phú USD nhất thế giới
Theo báo cáo trên, Mỹ vẫn là quốc gia có số lượng triệu phú lớn nhất trên toàn cầu. Vị trí thứ hai là Trung Quốc, với gần 1 triệu người là triệu phú USD. Vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm lần lượt là các nước Đức, Nhật Bản và Anh. Đáng chú ý, theo báo cáo, Anh só sự suy giảm nhẹ về số triệu phú trong 10 năm qua. Nguyên nhân là do Brexit và những bất ổn kinh tế khác.
Trong khi đó, Thụy Sĩ (xếp thứ 7) và Singapore (xếp thứ 12) là hai quốc gia có sức mạnh kinh tế vượt trội trong thập kỷ qua. Những lợi ích về thuế, bảo sản tài sản và quyền riêng tư vượt trội khiến hai quốc gia này trở thành những nơi thu hút nhiều cá nhân giàu có tới.
New World Wealth là công ty chuyên theo dõi sự thay đổi và thói quen chi tiêu của những người giàu nhất thế giới trong 10 năm qua. Nghiên cứu của công ty này được thực hiện trên 90 quốc gia và 150 thành phố trên thế giới, trong đó tập trung vào châu Á và châu Phi.
New World Wealth lấy dữ liệu từ bộ phận nghiên cứu nội bộ và thường tập trung vào các nhà sáng lập công ty và cá nhân giữ những vị trí chủ tịch, CEO, giám đốc và quản lý. Công ty New World Wealth bắt đầu phát hành báo cáo định kỳ mỗi năm (kể từ 2022), bao gồm nhiều chủ đề như triệu phú, bất động sản, tiền số…
Bài tham khảo nguồn: Utility, CNBC, VisualCapitalist
Xem thêm tại cafef.vn