Xây cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 7.962 tỷ đồng; Chấp thuận đầu tư khu đô thị 12.000 tỷ đồng
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Năm 2025, TP.HCM dự kiến được bố trí hơn 84.100 tỷ đồng vốn đầu tư công
Theo tờ trình kế hoạch đầu tư công năm 2025 của UBND TP.HCM, Thành phố đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo mức vốn dự kiến ngân sách Trung ương năm 2025 hơn 3.237 tỷ đồng (bằng với nhu cầu vốn ngân sách Trung ương năm 2025 theo đề xuất của thành phố).
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) dự kiến được bố trí hơn 1.547 tỷ đồng. Ảnh: Lê Toàn |
Trên cơ sở mức vốn ngân sách Trung ương được Kế hoạch và Đầu tư dự kiến nêu trên, UBND TPHCM đã báo cáo Kế hoạch và Đầu tư danh mục và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố.
Cụ thể, Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú là 330 tỷ đồng; Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) là hơn 1.547 tỷ đồng; Dự án Xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) là 80 tỷ đồng;
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) là 1.180 tỷ đồng.
Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài là 100 tỷ đồng cũng dự kiến được bố trí cho dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến bố trí Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 thuộc ngân sách địa phương cho Thành phố với mức vốn hơn 80.911 tỷ đồng.
UBND Thành phố đề xuất phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố hơn 62.399 tỷ đồng.
Cụ thể, bố trí từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 3.217,2 tỷ đồng; Bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là 984,732 tỷ đồng;
Bố trí vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP là 140,6 tỷ đồng. Bố trí vốn chi đầu tư phát triển (nguồn vốn đầu tư công) để thực hiện ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh TP.HCM cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm là 901 tỷ đồng.
Thành phố cũng dự kiến bố trí vốn cho Chương trình kích cầu đầu tư là 150 tỷ đồng; Bố trí vốn cho nhiệm vụ quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 13,5 tỷ đồng; Bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố tập trung là 48.782,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, bố trí vốn cho các dự án trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận và vốn ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận là 255 tỷ đồng; Bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Thành phố cho ngân sách 5 huyện và TP. Thủ Đức là 7.954,9 tỷ đồng.
Thành phố cũng phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và TP. Thủ Đức từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách Thành phố là 2.024,3 tỷ đồng.
Đối với 16.487,7 tỷ đồng còn lại, Thành phố đề xuất dự phòng và sẽ giao khi các dự án khởi công mới trong năm 2025 đủ điều kiện bố trí.
UBND Thành phố cho biết, qua rà soát, các dự án hiện nay đã được bố trí vốn trung hạn và dự kiến khởi công, thực hiện trong năm 2025 với nhu cầu vốn cần bổ sung trong năm gồm: 3 dự án thành phần thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc bài giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức PPP là 4.643 tỷ đồng; các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố dự kiến khởi công mới sau khi hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư là 11.844 tỷ đồng.
Thành phố nhấn mạnh với phương án nêu trên là đảm bảo việc giao, phân bổ đủ theo mức vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Thành phố trong năm 2025.
Đồng thời, để đảm bảo việc giải ngân, UBND Thành phố đã rà soát, xác định các dự án cụ thể cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan và số vốn dự kiến bổ sung cho các dự án này và sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh thủ tục phê duyệt dự án và thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh, bổ sung vốn trong năm 2025.
Xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng
Ngày 9/12, Ban quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT) tổ chức Lễ triển khai thi công Gói thầu 15 - XL thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Gói thầu 15 - XL thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu. |
Tham dự lễ triển khai thi công Gói thầu 15 - XL có Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh, các lãnh đạo Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 85, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, đại diện các nhà thầu, tư vấn thiết kế và đại diện các bên liên quan.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 có chiều dài 15 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao Quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, có vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, do Ban quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Toàn dự án có 5 nút giao, 7 cầu, được chia làm 4 gói thầu.
Trong đó, Gói thầu 15 - XL thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng giá trị xây lắp 3.907 tỷ đồng. Cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài hơn 3 km, phần cầu chính dài 2,59 km, rộng 21,5 m đi qua luồng Định An của sông Hậu. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp dạng chữ A cao 110 m (tính từ mặt cầu), sơ đồ nhịp chính 210 m + 450 m +210 m.
Gói thầu 15 - XL được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thái Yên - Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long - Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư 492 - Công ty TNHH Tập đoàn Định An.
Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu sẽ thực hiện Gói thầu 15 - XL trong thời gian thực hiện 1.250 ngày, dự kiến hoàn thành tháng 6/2028.
Theo ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT, khi hoàn thành cầu Đại Ngãi sẽ cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam và với TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1.
Quảng Nam cần hơn 8.300 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025
Tại Kỳ họp 28, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 8.311 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.382 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 2.929 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025. |
Theo thẩm tra của Ban kinh tế - Ngân sách tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2025 là 8.311 tỷ đồng, bằng 120% so với kế hoạch đầu năm 2024.
Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 2.929 tỷ đồng, bằng 133% so với kế hoạch năm 2024; nguồn ngân sách địa phương 5.382 tỷ đồng, bằng 114% so với kế hoạch năm 2024.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh Quảng Nam, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2025 cao hơn nhiều so với năm 2024. Trong đó, nguồn thu tiền sử dụng đất là 3.300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào cân đối đầu tư cấp tỉnh 1.459 tỷ đồng, trong khi năm 2024 nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh hụt lớn.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần đề ra những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo nguồn thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch, đảm bảo cân đối nguồn bố trí cho các nhiệm vụ, chương trình, Dự án, nghị quyết theo phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.
Về giải ngân vốn đầu tư công 2024, tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 7.268. Trong đó, ngân sách Trung ương 2.194 tỷ đồng, ngân sách địa phương 5.073 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 11/2024, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 6.857 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn giao. Trong đó, ngân sách Trung ương 2.185 tỷ đồng (đạt 99%), ngân sách tỉnh 4.672 tỷ đồng (đạt 93%).
Tuy nhiên, trong năm 2024 tiến độ thu nguồn sử dụng đất thấp, nguồn thu tiền sử dụng đất thực tế phát sinh thấp hơn số vốn đã phân bổ, gây mất ổn định ngân sách.
Do đó, để hạn chế tình trạng hụt thu nguồn sử dụng đất, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất điều chỉnh giảm và thu hồi nguồn sử dụng đất của các nhiệm vụ, dự án có tỉ lệ giải ngân chậm, với tổng số tiền 207,129 tỷ đồng.
Vì vậy, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết là hơn 6.650 tỷ đồng (đạt 92%).
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến ngày 29/11/2024, vốn đầu công năm 2024, không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý đã giải ngân đạt 58%.
Gần cuối năm, Bình Định thu hút thêm dự án đầu tư nước ngoài 10 triệu USD
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Quốc tế Lehome (Hồng Kông, Trung Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng nội – ngoại thất cao cấp Gainwell Việt Nam tại Quy Nhơn.
Lễ ký kết hợp đồng thuê lại đất gắn kết cấu cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A giữa Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội và Công ty TNHH Quốc tế Lehome. Nguồn: SNP. |
Theo đó, Dự án nhằm sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất và vật liệu phụ trợ với quy mô 800 triệu sản phẩm/ năm. Dự án được thực hiện tại lô B3.04, Khu công nghiệp Nhơn Hội (Khu A), Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn với diện tích hơn 5,5 ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD), trong đó vốn góp của chủ đầu tư là 50,93 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng11/2024 đến tháng 3/2027.
Trước đó vào ngày 5/11/2024, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Nhơn Hội (SNP, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nhơn Hội Khu A) và Công ty TNHH Quốc tế Lehome tổ chức lễ ký kết về hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp.
Theo thông tin của SNP, Công ty TNHH Quốc tế Lehome là thành viên của Tập đoàn Gainwell (Hồng Kông, Trung Quốc) – một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực nội thất tại Trung Quốc cam kết đầu tư 20 triệu USD vào Dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp và đồ gỗ ngoài trời, nhà xưởng cho thuê nhằm hình thành chuỗi cung ứng phụ trợ tại Khu công nghiệp Nhơn Hội - Khu A.
Dự án dự kiến sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 700 lao động địa phương và khởi công trong năm 2025.
Thông tin đăng tải trên website của SNP, tại lễ ký kết, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT SNP đã bày tỏ sự kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ mang lại giá trị lớn cho Tập đoàn Gainwell mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A và tỉnh Bình Định. Ông Anh cam kết SNP sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư yên tâm phát triển dự án tại khu công nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Vệ Lương, Chủ tịch Tập đoàn Gainwell đánh giá, Bình Định với vị trí chiến lược gần cảng biển, nguồn nguyên liệu dồi dào, cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ và các chính sách ưu đãi, là một địa điểm đầu tư lý tưởng.
Chủ tịch Tập đoàn Gainwell bày tỏ cam kết sẽ gắn bó lâu dài tại Quy Nhơn, tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy sự phát triển của ngành nội thất tại địa phương; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ chính quyền và SNP trong thời gian tới.
Hoàn thiện và thực hiện Đề án Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 549/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. |
Thường trực Chính phủ kết luận: Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao kết quả và nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Đề án.
Trong đó, về mục tiêu của Đề án, Thủ tướng Chính phủ lưu ý: (i) Thực hiện các Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cụ thể:
"Hoàn chỉnh mạng lưới đường (có tính kết nối với vùng Thủ Đô) và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035", "tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác"; (ii) Giải quyết yêu cầu thực tế về giao thông vận tải tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; (iii) Góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới; (iv) Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến việc lựa chọn tư vấn, nhà thầu, giải phóng mặt bằng... để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của Dự án.
Về quan điểm: (i) Đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; (ii) Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với Quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia; (iii) Đa dạng hóa hình thức huy động vốn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tế triển khai Dự án và đa đạng hóa các nguồn lực, trong đó tăng trần nợ công và bội chi ngân sách (báo cáo cấp có thẩm quyền); (iv) Công nghệ và phương thức quản trị Dự án phải hiện đại, thông minh và hiệu quả; (v) nghiên cứu xây dựng ngay và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị bảo đảm thống nhất trong hệ thống để sử dụng chung;
Về nguyên tắc: (i) Dự án phải được nghiên cứu kỹ, triển khai nhanh, hiệu quả; (ii) Phân cấp, phân quyền mạnh, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thực hiện; (iii) Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện ngay tại các cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu, có thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
Về kiến nghị Bộ Chính trị: (i) Đồng ý chủ trương triển khai Đề án; (ii) Đồng ý chủ trương có các cơ chế đặc thù, đặc biệt về chỉ định thầu tư vấn, giám sát và lựa chọn các nhà đầu tư, huy động nguồn lực; (iii) Giao Ban cán sự đảng Chính phủ làm việc với Đảng đoàn Quốc hội thống nhất cơ chế chính sách đặc thù cho Đề án trước khi trình Quốc hội theo quy định; (iv) Đồng ý chủ trương tăng trần nợ công lên khoảng 80% GDP và bội chi ngân sách ở mức phù hợp; (v) Giao Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn, được sử dụng ngân sách địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện và thực hiện Đề án; các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp tích cực với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện, trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Đề án.
TP.HCM trình đề án 10 năm làm xong 355 km đường metro thay vì 183 km
Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thay mặt UBND Thành phố đã trình bày tờ trình về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo tờ trình, đề án metro trước đó đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy Thành ủy cho ý kiến thống nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã thông qua chủ trương.
HĐND Thành phố đã có ý kiến thống nhất các nội dung cơ bản của đề án để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đã xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban kinh tế Quốc hội và nhận được sự đồng thuận cao.
Bộ Giao thông vận tải sau đó đã tổ chức lấy ý kiến đề án metro tại TP. Hà Nội, TP.HCM của các cơ quan trung ương, các ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan.
Về nội dung đề án, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với chiều dài 183 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 37,20 tỷ USD.
Đến năm 2045, Thành phố làm thêm 168,36 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 351,08 km. Vào năm 2060 sẽ hoàn thành thêm 159 km để hoàn thành toàn bộ mạng lưới metro dài khoảng 510 km.
Ngày 25/11, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thường trực Chính phủ đề án metro tại Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035. Kết luận của Thường trực Chính phủ nêu rõ đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng và ghi nhận, đánh giá cao kết quả, nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội, TP.HCM cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Về mục tiêu, đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia...
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Thành phố đã khẩn trương rà soát cập nhật hoàn thiện đề án với mục tiêu rút ngắn thời gian đầu tư hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch.
Theo đó, Thành phố đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.
Như vậy, so với trước đây, Thành phố đã tăng quy mô đầu tư giai đoạn đến 2035 từ 183 km lên 355 km, tăng vốn đầu tư thêm hơn 3 tỷ USD.
Đề xuất nhằm rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510 km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060. Việc sớm phủ sóng mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, UBND Thành phố đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Dự kiến quý I/2025, Dự án LNG Cà Ná phát hành thông báo hồ sơ mời thầu
Phát biểu giải trình về kết quả kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XI, ông Trần Quốc Nam Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, quy hoạch tỉnh được thông qua, cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi vào hoạt động, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã góp phần gia tăng sự kết nối, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Nhất là thúc đẩy các ngành còn dư địa tăng trưởng đó là năng lượng, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo và kinh tế đô thị.
Đối với các dự án năng lượng, ông Nam cho biết, Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái và Phước Hòa hiện chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện thủ tục. Trong đó, Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái dự kiến khởi công cuối tháng 12 và đầu năm 2025.
Dự án LNG Cà Ná 1.500 MW đã hoàn thành hồ sơ mời thầu nhưng do phát sinh quy định mới của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu vì vậy hiện UBND tỉnh đang triển khai lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; dự kiến, sẽ phát hành hồ sơ thông báo mời thầu trong quý I/2025.
“Hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná đảm bảo chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả trong năm 2025”, ông Nam nói.
Liên quan đến dự án này, ngày 8/11/2024, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận đề cập việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án LNG Cà Ná phải tuân thủ Nghị định 115/2024/NĐ-CP, ngày 16/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Do đó, Sở Công Thương phối hợp Viện Năng lượng lập lại hồ sơ mời thầu theo quy định tại Nghị định 115.
Đối với lĩnh vực sản xuất năng lượng mới như hydro, điện gió ngoài khơi, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận thông tin hiện một số nhà đầu tư lớn quan tâm, khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền nên việc triển khai mới dừng ở mức nghiên cứu.
Ông Nam cũng khẳng định, tỉnh đã tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để sớm khởi công và đầu tư hoàn thành 10 dự án điện với tổng công suất 360,2 MW (gồm Phước Hữu; Power 1; Công Hải 1,2; Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận; Đầm Nại 3,4; Phước Dân; Bầu Ngứ; khu vực đồng muối quán thẻ).
TP.HCM huy động hơn 40 tỷ USD làm 355 km metro như thế nào?
Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã trình HĐND Thành phố Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư bằng vốn vay ODA của Nhật Bản. Tuyến metro này sẽ vận hành thương mại vào ngày 22/12/2024 - Ảnh: Lê Toàn |
Điểm mới đáng chú ý trong Đề án này là mục tiêu đặt ra đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355 km (cao hơn 172 km so với mục tiêu đặt ra trước đó là hoàn thành 183 km). Số vốn để đầu tư 355 km metro lên đến 40,2 tỷ USD, trong đó phần lớn là vốn đầu tư công.
Cụ thể, giai đoạn 2026-2030 cần 16,35 tỷ USD, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách TP.HCM là 5,81 tỷ USD (chiếm 35,54%). Nguồn vốn dự kiến đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 3,86 tỷ USD (chiếm 23,61%).
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 4,34 tỷ USD (chiếm 26,54%). Ngoài ra, Thành phố huy động từ nguồn vốn BT trả chậm là 2,34 tỷ USD (chiếm 14,31%).
Đến giai đoạn 2031-2035, TP.HCM cần 24 tỷ USD để đầu tư. Trong đó, ngân sách Thành phố là 13,3 tỷ USD (chiếm 55,45%); ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 4,52 tỷ USD (chiếm 18,80%).
Phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 1,97 tỷ USD (chiếm 8,19%); phương án huy động từ nguồn vốn BT trả chậm là 4,22 tỷ USD (chiếm 17,55%).
Khác với trước đây, nguồn vốn đầu tư các Dự án metro phần lớn là từ nguồn vốn vay ODA nhưng lần này sẽ được đầu tư chủ yếu bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo UBND TP.HCM để đảm bảo hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035 thì giai đoạn 2025-2027 phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; giai đoạn năm 2027-2028, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Từ năm 2027 hoặc chậm nhất vào năm 2028 phải khởi công công trình. Giai đoạn 2031-2035, phải hoàn thành phần xây dựng công trình, lắp đặt hệ thống ray, đầu máy, toa xe, thiết bị thông tin tín hiệu...
"Soi" kịch bản phát triển mạng lưới metro tại Hà Nội, TP.HCM trị giá 132,85 tỷ USD
Theo đề xuất bước đầu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hai thành phố sẽ chủ trì, đầu tư hoàn thành 593,8 km đường sắt đô thị, trong đó TP.Hà Nội khoảng 397,8 km/7 tuyến, TP.HCM khoảng 183km/6 tuyến vào năm 2035.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. |
Mặc dù vẫn còn phải hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 549/TB-VPCP nhưng những thông tin tại Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035 được Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 12/2024 vẫn cung cấp một cái nhìn tương đối tổng thể về kịch bản phát triển mạng lưới metro tại 2 thành phố.
Cụ thể, đối với TP.Hà Nội, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 7 tuyến (tuyến số 1, tuyến số 2A kéo dài, các tuyến số 4, 6, 7, 8, tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai) dài khoảng 397,8 km, đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 5 tuyến, kéo dài 4 tuyến (các tuyến số 1, 2, 6, 7), tổng chiều dài khoảng 200,7 km theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dự kiến điều chỉnh.
Đối với TP.HCM, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác 6 tuyến, dài khoảng 183 km, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng. Các tuyến này gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (40,8 km); 20,22/62,8 km tuyến đường sắt đô thị số 2; 29,53/45,81 km tuyến đường sắt đô thị số 3; 36,82/43,4 km tuyến đường sắt đô thị số 4; 32,5/53,87 km tuyến đường sắt đô thị số 5; 22,85/53,8 km tuyến đường sắt đô thị số 6.
Sau năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 4 tuyến, kéo dài 5 tuyến, tổng chiều dài khoảng 327 km theo Quy hoạch TP.HCM và Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM dự kiến điều chỉnh.
Cụ thể, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 2 (62,8 km), số 3 (45,81km), số 4 (43,4 km), số 5 (53,87 km), số 6 (53,8 km), số 7 (51,23 km). Đến năm 2060, xây dựng 42,8 km tuyến đường sắt đô thị số 8; 28,3km tuyến đường sắt đô thị số 9; 87,84 km tuyến đường sắt đô thị số 10.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống đường sắt đô thị, dự kiến thông số kỹ thuật chủ yếu của hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố như sau: khổ đường 1.435mm, đường đôi, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 80-160km/h, tải trọng trục thiết kế 14-17 tấn/trục; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; thông tin, điều khiển đoàn tàu bằng tín hiệu thông tin vô tuyến; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU).
Với quy mô đầu tư như trên, trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng nhu cầu vốn phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố là khoảng 32,12 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 14,6 tỷ USD, TP.HCM khoảng 17,52 tỷ USD.
Hai thành phố đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 6,94 tỷ USD (TP.Hà Nội khoảng 2,202 tỷ USD; TP.HCM khoảng 4,74 tỷ USD).
Giai đoạn 2031 - 2035, tổng nhu cầu vốn hát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố khoảng 37,06 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 22,57 tỷ USD, TP.HCM khoảng 14,49 tỷ USD.
Hai thành phố đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 9,43 tỷ USD (TP.Hà Nội khoảng 6,412 tỷ USD; TP.HCM khoảng 3,02 tỷ USD).
Giai đoạn 2036 - 2045, tổng nhu cầu vốn phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố khoảng 39,61 tỷ USD, trong đó TP.Hà Nội khoảng 18,25 tỷ USD; TP.HCM khoảng 21,36 tỷ USD. Hai thành phố không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Giai đoạn 2045 - 2060, TP.HCM cần khoảng 24,06 tỷ USD để đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT xác định đầu tư công là chủ đạo. Trong quá trình triển khai Đề án, các thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có tiềm năng thương mại.
Nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị 2 thành phố bao gồm: ngân sách địa phương (kế hoạch trung hạn, nguồn vượt thu, khai thác từ quỹ đất,...), vốn vay ODA, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong giai đoạn đầu tư, xây dựng, Bộ GTVT đề xuất Ban quản lý đường sắt đô thị trực thuộc UBND hai thành phố là chủ đầu tư các Dự án đường sắt đô thị.
Giai đoạn vận hành, khai thác sẽ do Công ty TNHH một thành viên Đường sắt, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND hai thành phố tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác.
Quảng Nam: Cần hơn 1.340 tỷ đầu tư 7 dự án khu dân cư, khu tái định cư
Trưởng Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang mới đây đã ký văn bản đề xuất Tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) trong năm 2025 và đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Quảng Nam cần hơn 1.340 tỷ đồng đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư trong phạm vi các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh. |
Đề xuất này được thực hiện theo kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ, Lương Nguyễn Minh tại buổi làm việc với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam vào tháng 11/2024; trong đó có nội dung về đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư trong phạm vi các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
Vì vậy, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm, chỉ đạo bố trí vốn để đầu tư xây dựng 7 khu dân cư, tái định cư, nhà ở công nhân.
Cụ thể, Dự án Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Bình Nam, quy mô 30ha, vốn đầu tư hơn 268 tỷ đồng; Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Bình Sa, quy mô 20ha, vốn đầu tư hơn 179 tỷ đồng; Hạ tầng Khu tái định cư ven sông Bình Hải 15ha, tổng vốn hơn 134 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có Hạ tầng Khu dân cư Tam Anh Nam giai đoạn 5, quy mô 25ha, tổng vốn 224 tỷ đồng; Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Tam Anh Bắc, quy mô 10 ha, tổng vốn 89,6 tỷ đồng; Khu dân cư Tam Hoà, quy mô 30ha, vốn đầu tư hơn 268 tỷ đồng và Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Tây Bắc sân bay Chu Lai, quy mô 20 ha, tổng vốn hơn 179 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư cho 7 khu dân cư, khu tái định cư này là khoảng 1.344 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất thống nhất chủ trương giao cho Ban tổ chức lập các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) các khu dân cư, nhà ở công nhân trong năm 2025 để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể là Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Bình Nam; Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Bình Sa.
Ngoài ra, còn có hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Tam Anh Bắc; Khu dân cư Tam Hòa; Hạ tầng Khu dân cư, nhà ở công nhân Tây Bắc sân bay Chu Lai.
Theo Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, tổng dự toán lập quy hoạch chi tiết dự kiến là hơn 5,6 tỷ đồng; đề nghị bố trí vốn năm 2025 khoảng 40% tổng dự toán là hơn 2,2 tỷ đồng…
Nghiên cứu tối ưu hóa vị trí nhà ga của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tham gia ý kiến về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đoạn qua địa bàn TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 hiện đang được thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác giai đoạn 2025-2026.
“Như vậy, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành GTVT đường sắt nói chung, vùng Đông Nam Bộ, dự thảo các Đồ án TP.HCM đang triển khai nói riêng, phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư của Chính phủ và tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá.
Liên quan đến hướng tuyến, UBND TP.HCM cho biết, hướng tuyến được đề cập Báo cáo cuối kỳ của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án về cơ bản là phù hợp với nội dung quản lý không gian đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Quy hoạch chung TP.HCM và Quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM hiện nay đang tiếp tục kế thừa nội dung quy hoạch liên quan.
Do vậy, UBND TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đoạn qua địa bàn Thành phố) đi “song song” và đi về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (sát phía ngoài cùng bên phải của đường bộ và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo hướng từ Thành phố đi Đồng Nai) và đi “song song” về bên trái của vành đai 3 TP.HCM (phía bên ngoài của tuyến). Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án cần được bố trí trong phạm vi hành lang đã được xác định từ Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM dọc theo các hành lang này.
Theo UBND TP.HCM, nhà ga Thủ Thiêm là một trong những ga đường sắt đầu mối của TP.HCM, dành cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến đường sắt đô thị số 10 (tuyến metro vành đai ngoài) theo Quy hoạch chung TP.HCM.
Theo Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, ga Thủ Thiêm được dự kiến bố trí trên diện tích khoảng 17,2 ha vì vậy UBND TP.HCM thống nhất về vị trí đặt ga Thủ Thiêm với vai trò, tính chất giao thông quan trọng như đã được xác định trong Quy hoạch.
Về quy mô nhà ga Thủ Thiêm của tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, UBDN TP.HCM cho biết, trước đây, Bộ GTVT đã có Thông báo số 124/TB-BGTVT ngày 14/4.2021, theo đó: “Về quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm: Bộ GTVT sẽ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với thành phố...”.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành công tác này để Thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga.
Được biết, theo Báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trên địa bàn TP.HCM dự kiến sẽ còn được bố trí thêm 7 ga đường sắt nữa cho tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (từ sau ga Thủ Thiêm) với khoảng cách từ 1 - 1,8km.
Theo UBND TP.HCM, việc dự kiến bố trí các nhà ga trên địa bàn thành phố với khoảng cách trung bình như trên về mặt nguyên tắc là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Ban quản lý dự án Đường sắt làm việc với UBND TP. Thủ Đức, để được cung cấp các tài liệu quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị) và các định hướng quy hoạch khác có liên quan.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ dự kiến bố trí vị trí, quy mô của từng nhà ga phù hợp với các quy hoạch phân khu của địa phương, đặc biệt các ga nên được bố trí gần các giao lộ (hiện hữu hoặc quy hoạch), tránh để phát sinh, điều chỉnh trong bước nghiên cứu sau sẽ ảnh hưởng đến các quy hoạch xây dựng đô thị của TP. Thủ Đức.
Liên quan đến vị trí xây dựng depot, UBND TP.HCM cho biết, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được trình các cấp thẩm quyền, Bộ GTVT đã bố trí một depot tại khu vực phường Long Trường, TP. Thủ Đức với diện tích khoảng 60,5 ha (phía trái hành lang đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).
Theo Đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức cũng dự kiến bố trí diện tích khoảng 68 ha cho khu vực với chức năng depot này (tên gọi khác là “depot Tam Đa”). Như vậy, có thể xem xét bố trí thêm một depot phụ cho depot Long Thành của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bên cạnh depot của đường sắt tốc độ cao, để tạo điều kiện khai thác thuận lợi, an toàn hơn cho tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu phát triển TOD tại khu vực xung quanh các nhà ga của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM cho biết là đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì triển khai nội dung này và nghiên cứu tích hợp vào Quy hoạch chung TP.HCM.
“Do đó, đề nghị Bộ GTVT sớm tổ chức thực hiện và hoàn thành quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm (đã nêu trên) để thành phố có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án phát triển đô thị liên quan khu vực xung quanh nhà ga”, ông Bùi Xuân Cường kiến nghị.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do liên danh TEDI - TEDIS để xuất, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT); tốc độ thiết kế tối đa lựa chọn là 120 km/h trên chính tuyến (90 km/h trong hầm); tốc độ vận hành tối đa là 110 km/h trên chính tuyến (80 km/h trong hầm).
Tính tổng cộng, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 48,23 km, trong đó chiều dài đoạn đường dẫn vào depot Cẩm Đường là 4,4 km; chiều dài tuyến chính là 41,83 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM là 11,75 km, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là 30,84 km. Toàn tuyến có 20 ga (bao gồm cả ga Thủ Thiêm) gồm 16 ga đi trên cao và 4 ga đi ngầm, 2 vị trí depot.
Phương tiện sức kéo của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có tải trọng trục 16T, điện sức kéo 1500 VDC/tiếp điện trên cao; sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Trong giai đoạn 2035 - 2045, tuyến sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa; giai đoạn 2045 - 2055 sử dụng 28 đoàn tàu 4 toa và giai đoạn sau 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa.
Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án là 140,11 ha, trong đó diện tích đất ở bị ảnh hưởng là 3,23 ha, diện tích đất quy hoạch giao thông là 71,05 ha, diện tích đất nông nghiệp rừng sản xuất là 27,2 ha và diện tích các loại đất khác là 38,63 ha; số hộ dân bị ảnh hưởng là 302 nhà.
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến (không bao gồm lãi vay) là 84.752 tỷ đồng, tương đương 3,454 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 5.504 tỷ đồng.
Liên danh TEDI - TEDIS đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức để đầu tư Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ tổ chức triển khai xây dựng từ quý 4/2026 đến năm 2029; tổ chức mua sắm thiết bị, đoàn tàu từ 2028 - 2029; hoàn thành, vận hành thử và khai thác thương mại vào năm 2030.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được bố trí tại 10 vị trí không liền kề
Theo tờ trình về Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng mà Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh vừa ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha.
Khu thương mại tự do được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng. |
Khu thương mại tự do được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Theo tờ trình của Thành phố Đà Nẵng, các khu chức năng trong Khu thương mại tự do gồm 10 vị trí không liền kề thuộc 4 khu chức năng chính theo định hướng tại Nghị quyết số 136/2024/QH15.
Cụ thể khu chức năng logistics (vị trí: 1 và 9); khu chức năng logistics và sản xuất (vị trí: 2 và 3).
Ngoài ra, có khu chức năng sản xuất (vị trí: 4A, 4B); khu chức năng thương mại dịch vụ và kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo (vị trí: 5, 6, 7, 8).
Bên cạnh đó, đối với vị trí lấn biển và khu vực Cảng biển Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước khi đưa vào hoạt động.
Theo UBND Thành phố Đà Nẵng, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong Khu thương mại tự do là sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao như điện tử tiên tiến; sản xuất máy bay, linh kiện phụ trợ hàng không và MRO; lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Lĩnh vực logistics ưu tiên vận tải đa phương thức; dịch vụ phụ trợ và kho bãi; lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ có bán hàng miễn thuế, du lịch y tế, MICE, kinh doanh casino, dịch vụ nhà hàng, nghỉ dưỡng…
Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực sẽ ưu tiên nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn; dịch vụ hỗ trợ.
Sẽ gắn kết giữa Khu thương mại tự do Đà Nẵng với Trung tâm tài chính quy mô khu vực; có thể nghiên cứu theo hướng gắn kết thông qua cơ chế cùng giao cho 1 đơn vị quản lý; nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính cũng được hưởng những cơ chế, chính ưu đãi của Khu thương mại tự do và ngược lại...
Về tính chất, chức năng, mô hình phát triển là loại hình Khu thương mại tự do có hàng rào cứng với ranh giới không gian xác định, được áp dụng các chính sách ưu đãi cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn dắt đối với một số ngành ưu tiên…
Là Khu thương mại tự do đầu tiên được tích hợp các chức năng logistic cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác.
Hoạt động theo mô hình Khu thương mại tự do phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu” với định hướng phát triển các khu chức năng: sản xuất; logistics; thương mại - dịch vụ; kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo …
Quảng Ngãi chi 130 tỷ đồng nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tại Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã xem xét, đánh giá và quyết định thông qua nhiều Nghị quyết liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi có vốn 130 tỷ đồng. |
HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Với mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả và toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, hoàn thiện Bệnh viện để xứng tầm là Bệnh viện hạng I.
Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thuộc nhóm B, có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. Do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ 2024 - 2027.
Quy mô đầu tư của dự án: Xây dựng mới 2 khối nhà và hành lang cầu nối có tổng diện tích sàn khoảng 10,4 nghìn mét vuông; khối nhà Khoa y học nhiệt đới, kho hành chính, kho lưu hồ sơ với diện tích sàn khoảng 3.000 m2; khối nhà Khoa Ung bướu, Khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu, Khoa Thận nhân tạo, Khoa Ngoại lẻ, gara xe nhân viên với diện tích sàn khoảng 7.050 m2; hành lang cầu nối diện tích sàn khoảng 360 m2 và các hạng mục phụ trợ: Trạm biến áp, sân đường giao thông, bồn hoa cây xanh; mua sắm mới một số trang thiết bị văn phòng, thiết bị xây dựng và thiết bị y tế.
Quảng Trị chỉ đạo hỏa tốc bàn giao mặt bằng dự án sân bay 5.800 tỷ đồng
Ngày 11/12, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã có chỉ đạo hoả tốc gửi các sở ban ngành liên quan và UBND huyện Gio Linh chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để giao đất cho nhà đầu tư triển khai Dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Gio Linh khẩn trương hoàn thiện việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất và chi trả tiền đối với 3 trường hợp trong đường băng; chủ động phối hợp với các đơn vị địa phương hoàn thành việc xác định nguồn gốc, công khai đối với các trường hợp còn lại để hoàn thành các thủ tục theo quy định trước ngày 25/12/2024.
Chủ động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong vùng lõi của dự án chấp hành quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ yêu cầu; đồng thời tiếp tục rà soát, giải quyết các kiến nghị của người dân trong vùng dự án đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương phê duyệt các dự án tái định cư để triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu.
Trên cơ sở quyết định phê duyệt các dự án tái định cư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến yêu cầu chủ đầu tư tổng hợp vào dự án điều chỉnh và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, đồng thời với việc lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường (nếu có), trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, tài chính cử công chức có chuyên môn tham gia Tổ công tác (thời gian từ ngày 10/12/2024 - 31/12/2024) để hỗ trợ địa phương trong quá trình rà soát, tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trong tháng 12/2024 theo đúng tiến độ hợp đồng BOT đã ký kết. Giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương phối hợp với đơn vị liên quan làm việc với nhà đầu tư rà soát, xem xét điều chỉnh hợp đồng BOT đảm bảo phù hợp, theo đúng quy định; báo cáo làm rõ căn cứ đề xuất Tổ công tác của UBND tỉnh về việc kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng dự án.
Căn cứ trên các chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, các đơn vị, địa phương phải chủ động phối hợp thực hiện, báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 25/12/2024.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày 20/12/2021. Dự án được chính thức được khởi công vào ngày 6/7/2024, dự kiến đến tháng 7/2026 sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Dự án được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh), với quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 là nhà đầu tư trúng thầu dự án.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay nhà thầu đang tập trung triển khai thiết bị, máy móc và nhân lực thi công sân đỗ máy bay và lề vật liệu với tổng diện tích là 32.917 m2; cũng như tiến hành thi công các tuyến đường công vụ nội bộ.
Để triển khai dự án, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Dự án GPMB xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 233,1 tỷ đồng; tổng diện tích 265,3 ha, trong đó vùng lõi là 135,5 ha. Dự án được giao cho UBND huyện Gio Linh làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án năm 2023 - 2024. Đến nay, Dự án đã hoàn thành GPMB 209,44 ha/265,3 ha, và đã giao đất cho nhà đầu tư 140,5 ha (vùng lõi 72,4 ha).
Hải Dương: Thêm 90 triệu USD vào Khu công nghiệp Đại An mở rộng
Trong những tháng cuối năm 2024, Khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng đã thu hút thêm 2 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD.
Theo đó, Dự án thứ nhất của Công ty TNHH Sunshine Việt Nam của Singapore. Đây là dự án nhà máy sản xuất đồ nội thất ngoài trời, tổng số vốn 60 triệu USD với quy mô sản xuất 6 triệu sản phẩm đồ nội thất ngoài trời/năm, 1 triệu sản phẩm cốc giữ nhiệt/năm. Mục tiêu của doanh nghiệp là mỗi năm doanh thu đạt khoảng 80 triệu USD.
Thêm 90 triệu USD vào Khu công nghiệp Đại An mở rộng |
Dự án thứ hai là dự án đầu tư nhà xưởng của Công ty TNHH New Star (Hoa Kỳ), có tổng số vốn 30 triệu USD. Dự án chuyên lắp ráp mô tô, xe máy địa hình với quy mô 40.000 sản phẩm/năm, lắp ráp xe bóng sân golf, xe điện quy mô 1.000 sản phẩm/năm, lắp ráp 10.000 sản phẩm xe đạp/năm. Doanh thu dự kiến của công ty đạt 50 triệu USD/năm.
Tính đến thời điểm này, KCN Đại An đã thu hút được hơn 100 dự án đến từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...) với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy trong KCN Đại An là 98%; KCN Đại An mở rộng giai đoạn 1 là 97%; KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 là gần 50%. KCN Đại An tiếp tục được xây dựng trở thành KCN hiện đại hàng đầu tại Việt Nam, là điểm đến đáng tin cậy, là cơ hội cho sự thành công và phát triển bền vững của các nhà đầu tư trong hiện tại và tương lai.
Việc triển khai mở rộng KCN Đại An giai đoạn 2 là cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Hải Dương hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của Vùng Đồng bằng Sông Hồng và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, mở ra một thời kỳ mới cho tỉnh Hải Dương và cho Đại An về liên kết vùng Gia Lộc - Bình Giang - Cẩm Giàng và thành phố Hải Dương.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh có 32 KCN, với tổng diện tích 5.661 ha. Trong đó, có 12 KCN đã đi vào hoạt động; hiện có thêm 6 KCN với diện tích gần 1.100 ha đang giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, diện tích đất đã có hạ tầng để thu hút đầu tư còn trên 100 ha; diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, đang đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư gần 300 ha; diện tích đất đã và đang tích cực hoàn thành giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư hạ tầng gần 400 ha. Bên cạnh đó, Hải Dương đang hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 2 KCN với diện tích khoảng gần 600 ha.
Bên cạnh đó, Hải Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp không chỉ phục vụ tăng trưởng kinh tế mà còn đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Với định hướng đó, nhiều khu công nghiệp ở Hải Dương đang được đầu tư đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng với các yếu tố xanh như hệ thống xử lý nước thải, năng lượng tái tạo và mảng xanh bao phủ.
Không chỉ định hướng xanh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Hải Dương luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động hiệu quả.
Đó chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.
Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ 1.280 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản kiến nghị các Bộ trình Chính phủ hỗ trợ 1.280 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
Ngày 12/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ hỗ trợ 1.280 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.280 tỷ để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh. |
Cụ thể, hỗ trợ 370 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 22 hồ chứa nước đang bị xuống cấp nặng; 600 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển và 310 tỷ đồng xây dựng các khu tái định vùng có nguy cơ sạt lở ở vùng núi.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tình hình mưa, lũ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Để triển khai công tác ứng phó thiên tai, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương triển khai ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng của nhân dân. Sau mưa, lũ đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức khắc phục ngay về dân sinh, nhà ở, bảo đảm không để người dân bị đói, rét sau thiên tai. Tuy nhiên, với tình hình mưa, lũ tập trung trong thời gian ngắn đã làm nhiều điểm bờ sông, suối, bờ biển, nhiều tuyến công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 22 hồ chứa nước bị xuống cấp hư hỏng và 160 điểm nguy cơ sạt lở đồi núi, trong đó có 67 điểm có nguy cơ cao sạt lở đồi núi, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài tại địa bàn các huyện miền núi cần phải xử lý, khắc phục sớm trong khi nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế nên việc xử lý sẽ bị chậm, kéo dài.
Quảng Ngãi: Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc dự án giao thông 694 tỷ đồng
Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác định nguồn gốc đất, giá đất cụ thể, sớm bồi thường cho các hộ dân.
Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong có tổng mức đầu tư 694 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Quy mô dự án hơn 6 km, qua địa bàn TP.Quảng Ngãi và Sơn Tịnh. Trong đó, đoạn qua huyện Sơn Tịnh dài hơn 3 km, có 230 hộ và 2 tổ chức bị ảnh hưởng, với 11,6 ha.
Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong có tổng vốn đầu tư 694 tỷ đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. |
Đến nay, dự án đã bàn giao mặt bằng hơn 3,5 km, đạt hơn 58% tổng chiều dài tuyến. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Sơn Tịnh, đã bàn giao mặt bằng hơn 1 km, đạt 35%.
Đối với phần mặt bằng còn lại của dự án chưa được bàn giao, vướng mắc chủ yếu đoạn qua huyện Sơn Tịnh, với gần 2 km, tương ứng với 101 hộ/186 thửa đất/4,4 ha chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nguyên nhân là do chưa xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường và chưa xác định được nguồn gốc đất.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho hay, do nhiều nguyên nhân nên dự án vẫn chưa đáp ứng tiến độ. Trong thời gian đến, yêu cầu địa phương, chủ đầu tư, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, khẩn trương xác định nguồn gốc đất và giá đất cụ thể để sớm có phương án bồi thường cho các hộ dân, không để xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, phải xây dựng cụ thể kế hoạch giải phóng mặt bằng trong thời gian đến.
"Từ nay đến cuối năm 2024, huyện Sơn Tịnh phải xử lý dứt điểm việc 28 hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa chịu nhận tiền bồi thường trên tinh thần thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ giải ngân dự án. Tinh thần là đến cuối tháng 3/2025 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng để nhà thầu sớm thi công, hoàn thành dự án", Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết điều chỉnh thời gian thực hiện đối với công trình Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong, từ năm 2019 - 2024 sang 2019 - 2025.
Được biết, Dự án Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong, là 1 trong 8 công trình và dự án, được Quảng Ngãi xác định là trọng điểm của tỉnh từ năm 2024 và trong thời gian tới.
Bình Thuận: Chấp thuận đầu tư khu đô thị Hàm Tiến - Mũi Né hơn 12.000 tỷ đồng
Ngày 11/12, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Biển Đẹp Phú Quốc (trụ sở chính tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang) và Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long (trụ sở chính tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đầu tư khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III).
Khu đô thị Hàm Tiến - Mũi Né có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng (Nguồn: binhthuan.gov.vn) |
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Liên danh trên đã thành lập doanh nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị Hàm Tiến - Mũi Né là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Mặt Trời Phan Thiết. Công ty mới thành lập có vốn chủ sở hữu 1.800 tỷ đồng, trong đó, Công ty Biển đẹp Phú Quốc góp 60,4% vốn, còn lại là vốn góp của Công ty Mặt trời Hạ Long.
Theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận, khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III) thuộc địa bàn các phường Hàm Tiến, Phú Hải và xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.
Dự án khu đô thị Hàm Tiến - Mũi Né có dân số dự kiến khoảng 15.000 người, tổng diện tích sử dụng đất gần 220 ha. Hiện trạng khu đất có hơn 51 ha đã giải phóng mặt bằng, hơn 17,5 ha đất do nhà nước quản lý và gần 150 ha đất của người dân chưa giải phóng mặt bằng.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.811 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư dự án; vốn huy động khoảng hơn 10.265 tỷ đồng, chiếm 85% tổng vốn đầu tư dự án.
Về tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến triển khai trong vòng 10 năm kể từ ngày phê duyệt chấp thuận nhà đầu tư. Cụ thể, trong 12 tháng đầu tiên, nhà đầu tư phải hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án. Trong 48 tháng tiếp theo, phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, kết hợp hoàn thành thủ tục pháp lý thẩm định báo cáo 5 nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và cấp phép xây dựng. Trong 48 tháng tiếp theo phải hoàn thành đầu tư xây dựng công trình theo tiến độ giao đất và giấy phép xây dựng. Trong 12 tháng còn lại phải thực hiện các thủ tục liên quan đến nghiệm thu và bàn giao công trình xây dựng.
Đối với phần diện tích đất thương mại dịch vụ thì thời hạn hoạt động 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất). Đối với phần diện tích đất ở thì thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Trước đó, tháng 9/2024, Liên doanh công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long được chấp thuận đầu tư Khu đô thị Hiệp Hòa hơn 72.000 tỷ đồng ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
“Thời hạn chót” cho dự án nông nghiệp công nghệ cao FAM - Quảng Trị
Ngày 12/12, bà Lê Thị Thương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, Sở vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị - chủ đầu tưDự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị nhằm đôn đốc việc triển khai dự án này.
Khu vực dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ |
Theo bà Thương, trước đó, ngày 12/9 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị có Thông báo ý kiến kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng (nay là quyền Chủ tịch UBND tỉnh) tại cuộc họp dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Quảng Trị trước đó. Theo đó, UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư trong thời gian qua và đề nghị nhà đầu tư nếu có nhu cầu đầu tư trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thì khẩn trương hoàn tất các hồ sơ, thủ tục của dự án gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, thẩm định, trước ngày 30/9/2024.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với UBND huyện Cam Lộ, các đơn vị và nhà đầu tư, nếu sau ngày 30/9/2024 không nhận được hồ sơ theo quy định thì làm thủ tục chấm dứt dự án trong tháng 10/2024 và tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung theo Thông báo kết luận số 248/TB-UBND ngày 30/12/2023.
Đến ngày 16/9/2024, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị đã có văn bản về việc đề xuất báo cáo phương án triển khai, thực hiện dự án, trong đó nêu rõ phương án thực hiện trong tháng 12/2024.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết dự án FAM, ngày 26/9/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Công ty lập hồ sơ thực hiện các thủ tục của dự án theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 30/9/2024 để có cơ sở thẩm định, tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện đúng các nội dung yêu cầu.
Cũng theo bà Lê Thị Thương cho biết, hiện nay đã đến thời gian nhà đầu tư cam kết báo cáo phương án triển khai, thực hiện được đề xuất tại Văn bản số 02/FAMQT-BĐT ngày 16/9/2024 của Công ty này. Do đó, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu nhà đầu tư nếu có phương án tiếp tục triển khai thực hiện dự án thì phải khẩn trương có văn bản báo cáo phương án triển khai, thực hiện đối với dự án gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/12/2024.
Trong đó, nhà đầu tư phải báo cáo tình hình năng lực tài chính và khả năng huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án kèm theo các tài liệu, chứng từ chứng minh năng lực tài chính; Báo cáo kết quả huy động, hợp tác với các đối tác để triển khai thực hiện dự án nếu có.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có cam kết thực hiện nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trong tháng 12/2024 để làm cơ sở cho phép nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, thuê đất, triển khai dự án.
Báo cáo lộ trình chi tiết tiến độ triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, trong đó phải cụ thể hóa tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan và xây dựng các hạng mục công trình, mua sắm, lắp đặt thiết bị, tuyển dụng lao động, đưa toàn bộ dự án vào hoạt động, vận hành, khai thác.
“Trường hợp nếu Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị quyết định chấm dứt hoạt động dự án thì công ty phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/12/2024 để giải quyết theo quy định. Quá thời hạn nêu trên, nếu nhà đầu tư vẫn không phản hồi hoặc không thực hiện đúng các nội dung yêu cầu nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định”, bà Lê Thị Thương nhấn mạnh.
Được biết, dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 371 tỷ đồng, thực hiện tại tiểu khu 764 và 765, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với diện tích khoảng 200 ha. Dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2019. Sau khi triển khai chậm tiến độ, tháng 6/2022, nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh tiến độ dự án lần 2, trong đó đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án vào tháng 6/2023.
Ông Trần Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, huyện đã hoàn thành công tác thực hiện kiểm kê áp giá đền bù, vận động tạo sự thống nhất trong nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai sau đó, phía nhà đầu tư chưa tích cực phối hợp cùng huyện, các sở ngành trong thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Cụ thể, trên diện tích đất được cấp, nhà đầu tư mới thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 60/198 ha (hơn 5,2 tỷ đồng). Do nhà đầu tư chưa tích cực trong công tác triển khai, dự án chậm tiến độ nhiều năm nên huyện đã nhiều lần đề xuất phương án thu hồi dự án.
Bình Định bàn giao mặt bằng sạch 2 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc trong tháng 1/2025
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết, về công tác bồi thường giải phóng của Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh liên quan đến tuyến chính đến nay đã hoàn thành; chỉ còn liên quan đến trạm dừng nghỉ cao tốc. Bộ Giao thông - Vận tải mới bàn giao UBND tỉnh trong tháng 11/2024.
“Hiện nay, trạm dừng nghỉ Hoài Nhơn và Phù Mỹ đang chuẩn bị công tác đầu tư, chuẩn bị bồi thường; dự kiến trong tháng 1/2025 sẽ bàn giao toàn bộ mặt sạch của 2 dự án trạm dừng nghỉ cho chủ đầu tư để triển khai”, ông Hoàng thông tin.
Trước đó, ngày 6/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND thị xã Hoài Nhơn, UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương tập trung triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các trạm dừng nghỉ phục vụ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh (Trạm dừng nghỉ tại Km77+820, thị xã Hoài Nhơn và Trạm dừng nghỉ tại Km35+500, huyện Phù Mỹ).
Thời gian hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho các Ban Quản lý Dự án 2 và 85 (chủ đầu tư) được yêu cầu là trước ngày 5/1/2025.
Đồng thời, 2 địa phương kiểm tra, rà soát kế hoạch sử dụng đất năm 2025 để đảm bảo thủ tục thu hồi đất trong phạm vi ảnh hưởng của dự án trạm dừng nghỉ theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở, ngành có liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ UBND thị xã Hoài Nhơn, UBND huyện Phù Mỹ kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các trạm dừng nghỉ nêu trên.
Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 và 85 tích cực phối hợp với các địa phương có liên quan giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 2 trạm dừng nghỉ.
Xem thêm tại baodautu.vn