Xây dựng siêu cảng Cần Giờ: Nhiều vấn đề đang được làm rõ

Theo thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp về hồ sơ chủ trương đầu tư dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo quy hoạch là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân TP.HCM và các bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.

KIÊN QUYẾT KHÔNG HY SINH MÔI TRƯỜNG

Tại Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc cập nhật quy hoạch khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là nội dung quan trọng.

Theo đó, cảng biển TP.HCM được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt; khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải), chức năng trung chuyển container quốc tế, phát triển phù hợp với khả năng thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế.

Đồng thời, kết hợp với khu bến Cái Mép để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép, phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực cho cỡ tàu đến 24.000 Teu (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Công suất thông qua cảng sau khi hoàn thiện toàn bộ các giai đoạn đầu tư của dự án là khoảng 16,9 triệu Teu/năm.

Định hướng quy hoạch khu bến container Cần Giờ đến năm 2030 gồm từ 2-4 bến, với tổng chiều dài từ 1.016m đến 2.016m cầu cảng, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 28,8-57,6 triệu tấn (tương ứng từ 2,4-4,8 triệu Teu). Trong đó, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được xếp dỡ tại bến cảng không vượt quá từ 20-25% tổng nhu cầu hàng hóa thông qua.

Tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô khoảng 13 bến cảng, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa trung chuyển container quốc tế và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa khoảng 3,5-3,8%/năm.

Theo hồ sơ đề xuất chủ trương dự án của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên của MSC, một hãng tàu biển lớn hàng đầu thế giới), nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Sài Gòn có vị trí tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Về diện tích sử dụng đất, theo đề xuất đầu tư dự án, diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 571 ha gồm 89,95 ha đất rừng phòng hộ ven biển (trong đó có 82,89 ha là đất rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên và 6,97 ha đất không có rừng) và 481,05 ha diện tích mặt nước.

Về vị trí dự án, do dự án liên quan đến khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với TP.HCM và khu vực, do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động, ảnh hưởng đến môi trường, kiên quyết không hy sinh môi trường.

Trước lo ngại này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị nhà đầu tư làm rõ vị trí cụ thể của dự án trong vùng đệm khu dữ trự sinh quyển thế giới Cần Giờ, hiện trạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực dự án, để làm cơ sở nhận dạng và đánh giá sơ bộ các tác động của dự án đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Dự án còn có đoạn luồng chung với cảng Cái Mép - Thị Vải, do vậy đề nghị bổ sung đánh giá tổng hợp khi hai cảng kết nối vận hành và lan tỏa tác động đến lòng, bờ, bãi sông.

“Nhà đầu tư rà soát và bổ sung giải trình với đề xuất quy mô tổng vốn của dự án và tiến độ thực hiện với quy định trên để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án không quá dài và khả thi trong việc huy động vốn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

LƯU Ý THIẾU VẮNG TUYẾN ĐƯỜNG BỘ KẾT NỐI

Sau khi nghiên cứu các kiến nghị, đánh giá kèm theo hồ sơ đề xuất chủ trương dự án, Bộ Giao thông vận tải làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung, sự phù hợp phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch liên quan với từng giai đoạn đầu tư dự án.

Sau khi rà soát, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng đề xuất đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phù hợp với quy hoạch về vị trí đầu tư xây dựng cảng, phù hợp về công năng bến cảng, quy mô cỡ tàu đến 250.000 tấn; đồng thời, phù hợp về số lượng bến cảng, chiều dài cầu cảng và lộ trình đầu tư. Hiện Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai dự án.

Về công suất thông qua hàng hóa, theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đề xuất đầu tư dự án chỉ tính toán, đưa ra công suất tổng thể khu bến là 16,9 triệu Teu/năm mà chưa tính toán công suất theo lộ trình đầu tư theo từng giai đoạn. Dù vậy, với 16,9 triệu Teu/6.798m cầu bến thì giai đoạn đến năm 2030 của dự án với 2.016m cầu cảng sẽ có công suất thông qua khoảng 5,1 triệu Teu/năm, về cơ bản phù hợp với dự báo lượng hàng theo quy hoạch.

Về giao thông kết nối, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết theo đề xuất dự án, vị trí dự án thuộc cù lao Phú Lợi là cù lao nằm biệt lập với các khu vực lân cận, do đó, kết nối giao thông hiện mới chỉ có kết nối theo đường thủy, chưa có các phương thức kết nối giao thông khác như đường bộ, đường sắt.

Về kết nối hàng hải, cảng cửa ngõ quốc tế Sài Gòn sử dụng luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để kết nối đến cảng. Đây là một thuận lợi lớn về kết nối giao thông hàng hải. Đoạn luồng tàu biển từ phao “0” luồng Vũng Tàu - Thị Vải đến cù lao Phú Lợi dài khoảng 27 km được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban quản lý dự án Hàng hải hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác năm 2023 với bề rộng luồng đạt 350m, cao độ đáy nạo vét đến độ sâu 15,5m. Thực tế tàu đến 234.000 tấn giảm tải lợi dụng thủy triều vào làm hàng an toàn tại bến cảng quốc tế Cái Mép (CMIT).

Bộ đang chỉ đạo tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp đoạn luồng từ CMIT đến bến cảng Phước An và cải tạo đoạn cong chữ “S” trên luồng để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác đồng bộ toàn tuyến luồng.

“Tỷ lệ gom rút hàng thông qua khu bến Cái Mép - Thị Vải bằng đường thủy nội địa hiện xấp xỉ 90% cho thấy kết nối bằng đường thủy nội địa tại khu vực là rất thuận lợi với các tuyến sông chính của khu vực như các sông Đồng Tranh, Lòng Tàu, Soài Rạp và Vàm Cỏ thuộc 4 hành lang vận tải thủy khu vực phía Nam”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Tuy nhiên, chưa có kết nối giao thông bằng đường bộ đến cảng là một hạn chế trong việc đa dạng hóa các loại hình kết nối giao thông có thể làm giảm năng lực vận tải kết nối đến cảng nhất là giai đoạn sau năm 2030.

KHÔNG LO ĐUA TRANG, GIÀNH HÀNG VỚI CẢNG CÁI MÉP

Về tác động của dự án đến các cảng biển trong khu vực, theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lượng hàng trung chuyển tại Cái Mép hiện chỉ đạt khoảng 324.587 Teu, chiếm dưới 5% tổng lượng hàng container thông qua chủ yếu từ Campuchia vận chuyển bằng sà lan thông qua các tuyến đường thủy nội địa...

Một số thông tin dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo quy hoạch là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) do nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất.

Địa điểm thực hiện: Cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM; quy mô sử dụng đất: 571 ha, trong đó diện tích đất rừng phòng hộ ven biển là 89,95 ha và diện tích mặt nước là 481 ha.

Tổng vốn đầu tư: 113.531,7 tỷ đồng; tiến độ thực hiện: 22 năm chia thành 7 giai đoạn; đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào năm 2045. Thời gian hoạt động: 70 năm. 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tạiđây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xây dựng siêu cảng Cần Giờ: Nhiều vấn đề đang được làm rõ - Ảnh 1

Xem thêm tại vneconomy.vn