Nhà đầu tư tổ chức vẫn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Thị trường dần đi vào trạng thái ổn định
Báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Các đợt phát hành đáng chú ý bao gồm: VietinBank (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%); SHB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tăng mạnhTheo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank, giá trị TPDN đáo hạn tăng mạnh vào năm 2025, khoảng 250 nghìn tỷ đồng và năm 2026 khoảng 230 ngàn tỷ đồng. Sau thời gian gia hạn tối đa 2 năm, lượng trái phiếu chậm trả gốc lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau 2025. Tuy nhiên, với dự báo lãi suất đã tạo đáy và nhích tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái cấu trúc vay nợ, hay giảm bớt áp lực chi phí vốn. |
Còn báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect cho biết, sau khi tăng mạnh trong quý II áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ hạ nhiệt hơn trong quý III trước khi tăng mạnh trở lại vào quý IV. VnDirect ước tính, trong quý III sẽ có khoảng hơn 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, giảm 27,2% so với quý II. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 49% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III, đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ 26,7% tổng giá trị đáo hạn.
Cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục ưu tiên sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nửa đầu năm 2024. Các sản phẩm xếp hạng tín nhiệm giúp tăng cường sự minh bạch và tính hấp dẫn của thị trường TPDN.
Trong quý tới, VCBS dự báo thị trường TPDN sẽ dần đi vào trạng thái ổn định nhờ lượng trái phiếu mua lại trước hạn vẫn có thể tiếp diễn, tuy nhiên, khối lượng có xu hướng giảm khi quá trình tái cơ cấu đã được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua; trong khi đó, lượng phát hành mới dần khả quan hơn.
Bên cạnh đó, các sản phẩm xếp hạng tín nhiệm trái phiếu góp phần tăng lượng phát hành trái phiếu ra công chúng. Ngoài ra, thanh khoản trên thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp tương đối cao, từ đó góp phần cải thiện tính thanh khoản cho trái phiếu phát hành.
Về phía cầu, nhà đầu tư tổ chức vẫn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường TPDN, đặc biệt tại hình thức phát hành riêng lẻ. Các nhà đầu tư cá nhân quy mô vốn nhỏ sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trái phiếu phát hành ra công chúng với các nhà phát hành có xếp hạng tín nhiệm.
Doanh nghiệp cần coi trọng xếp hạng tín nhiệm
Chia sẻ về sự phục hồi thị trường TPDN thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nội - Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho biết, những số liệu tích cực gần đây cho thấy, thị trường TPDN dần thu hút dòng tiền lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể giao dịch TPDN riêng lẻ một cách minh bạch, an toàn, công khai. Đây là những tín hiệu tốt, cho thấy TPDN riêng lẻ hoàn toàn có thể phát huy được vai trò của mình trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được khung pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn khi quy mô thị trường vẫn còn khiêm tốn, chỉ mới chiếm khoảng 13% GDP, trong khi ở Thái Lan là 25% GDP, Singapore là 38% và Malaysia là 56%. Do đó, thị trường TPDN riêng lẻ thứ cấp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ, cân bằng hơn giữa thị trường tài chính và thị trường tiền tệ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam” - bà Hằng cho hay.
Việc cơ quan quản lý áp dụng trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm siết chặt hơn thị trường TPDN, trong đó quy định “khắt khe” hơn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, tần suất phát hành TPDN, xếp hạng tín nhiệm… Các chuyên gia đánh giá điều này là cần thiết, góp phần tích cực ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng đánh giá, tiềm năng phát triển thị trường TPDN còn rất lớn, nhưng cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu cần thay đổi một cách mạnh mẽ. Hiện tại, muốn cho thị trường TPDN phục hồi phải phục hồi lòng tin của nhà đầu tư bằng việc tất cả các trái phiếu đang lưu hành có thể trả nợ đúng hạn.
“Muốn cho các nhà phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ thì thị trường bất động sản phải được hồi phục, thị trường chứng khoán tăng trưởng, ngay cả việc cho vay của các ngân hàng cũng cần cởi mở mạnh mẽ hơn, tất cả những thị trường đó có tính liên đới tương hỗ và hỗ trợ nhau. Đặc biệt nền kinh tế phải được phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm, đó là tiền đề cho các thị trường phục hồi” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết./