Xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. |
Xuất khẩu quý I tiếp sức phục hồi kinh tế
Căn cứ vào chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2024 đạt 5,66%, tăng so với cùng kỳ những năm trước, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công thương), đưa ra đánh giá khả quan về bức tranh sản xuất, xuất khẩu của nước ta hiện nay và dự báo trong năm 2024 này.
Ông Bùi Huy Sơn phân tích, hiện tại tình hình phục hồi sản xuất khá tốt đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái. Sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc, tăng 6,18% (so với cùng kỳ năm trước), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trợ lực cho xuất khẩu.
Đồng thời với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Quý I/2024, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% (cùng kỳ giảm 21%). Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2% (cùng kỳ giảm 10,2%)... Thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3% (cùng kỳ giảm 10,3%); Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9% (cùng kỳ giảm 5,4%).
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 của nước ta, với xuất siêu 3 tháng đầu năm đạt 8,08 tỷ USD. Tuy vậy, xuất siêu của nền kinh tế dựa vào khu vực FDI, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu. Ngành dệt may, da giầy đã có được đơn hàng mới đến hết tháng 6/2024. Những lợi thế này khó duy trì trong cả năm 2024.
Để duy trì đà tăng trưởng hiện nay, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các FTA (hiệp định thương mại); tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương, nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.
Chủ động vượt qua thách thức
Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong quý I/2024, tuy nhiên tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo tăng trưởng vẫn khiêm tốn, có sự cải thiện nhưng không nhiều. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ tăng 3,2% vào năm 2024…
Đánh giá về khó khăn thời gian tới, theo các nhà hoạch định chính sách, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023; xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay thách thức hiện nay trong xuất khẩu hàng Việt là chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Ở góc đội doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định năm 2024, cước vận tải biển vẫn sẽ cao hơn giá nền năm 2023 do xung đột tại Biển Đỏ. Xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại. Những khó khăn này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam, từ đó tác động đến khách hàng, nhãn hàng đối tác của các doanh nghiệp Việt.
Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, để tạo đà cho xuất khẩu các tháng tới, các doanh nghiệp cần duy trì chặt chẽ quan hệ với đối tác hiện có bằng chất lượng, trách nhiệm và gia tăng chữ tín, bảo đảm nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, đồng thời tích cực, chủ động tìm thị trường mới như thị trường các sản phẩm Halal Trung Đông, châu Phi và phát triển sâu thị trường ASEAN.
Doanh nghiệp cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, cải thiện năng lực canh tranh, xây dựng thương hiệu Việt; thêm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để gia tăng vai trò và tác động của đổi mới sáng tạo đến xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài để cùng bổ sung lợi thế…
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành Công thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà chúng ta đã ký kết và đi vào thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số; giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu.
Đàm phán ký kết thêm 3 hiệp định thương mại Để rộng cửa cho xuất khẩu hàng hóa, hiện có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang đàm phán, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia khuôn khổ đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; FTA giữa Việt Nam và UAE hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. |