Yếu tố nào giúp cổ phiếu MWG xác lập vùng giá cao nhất trong 8 tháng qua?

Chốt phiên 2/5, cổ phiếu MWG dừng ở mức 55.600 đồng/cp, đánh dấu chuỗi giao dịch 6 phiên liên tiếp “xanh tích cực” của cổ phiếu đầu ngành bán lẻ này. Thanh khoản cổ phiếu cũng biến động mạnh khi có đến 2/6 phiên ghi nhận giá trị khớp lệnh nghìn tỷ. Cụ thể, trong phiên 24/4, hơn 19,3 triệu cổ phiếu MWG được giao dịch thành công với tổng giá trị 1.048 tỷ đồng. Tới phiên 2/5, khối lượng khớp lệnh vọt lên xấp xỉ 22 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.219 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,5% giá trị giao dịch trên sàn HoSE.

-8269-1714706067.png

Với mức giá 55.600 đồng/cp, cổ phiếu MWG chính thức xác lập vùng giá cao nhất trong 8 tháng qua.

Theo quan sát, đà tăng của cổ phiếu MWG trong thời gian gần đây có sự ưu ái của dòng vốn ngoại. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng MWG trong 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị ròng lên đến 974 tỷ đồng. Còn nếu tính trong vòng một tháng trở lại đây, khối này đã mua ròng xấp xỉ 1.900 tỷ đồng.

Trong thông tin mới nhất, 6 quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital đồng loạt thông báo mua vào cổ phiếu MWG với khối lượng dao động 120.000 đến 1,2 triệu cổ phiếu. Tổng khối lượng các quỹ này mua vào là 4,65 triệu cổ phiếu, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại Thế giới Di động lên 6,35%, tương đương 91,41 triệu cổ phiếu.

Nhờ lực cầu mạnh từ khối ngoại, tính đến cuối phiên 2/5, room ngoại tại Thế Giới Di Động chỉ còn 31,5 triệu cổ phiếu. Con số này đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu tháng 12/2023 khi cổ phiếu MWG bị nhà đầu tư nước ngoài “ghẻ lạnh” do kết quả kinh doanh sụt giảm và thị giá lao dốc, dẫn đến room ngoại thừa gần 71 triệu cổ phiếu – giai đoạn hở “room” ngoại lớn nhất - điều rất hiếm thấy tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này, bởi cổ phiếu MWG từng được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài ưa thích và thường xuyên trong tình trạng cạn hoặc kín room.

Dòng tiền khối ngoại quan tâm trở lại với cổ phiếu MWG sau khi doanh nghiệp này liên tiếp công bố những thông tin tích cực về hoạt động tái cấu trúc và kết quả kinh doanh giai đoạn đầu năm. Cụ thể, báo cáo tái chính quý đầu năm 2024 của công ty ghi nhận doanh thu khoảng 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 21,3%, cải thiện đáng kể so với mức 19,2% của cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 903 tỷ đồng trong 3 tháng, gấp 43 lần cùng kỳ. Với mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.400 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành lần lượt 25% và 37,6%.

Trong đó, Bách Hóa Xanh vẫn ghi nhận lỗ nhưng mức lỗ trong quý I/2024 chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước.

Tương tự, mảng dược phẩm của Thế giới Di động vẫn chưa khởi sắc khi chuỗi Nhà thuốc An Khang lỗ sau thuế trong quý I/2024 xấp xỉ 70 tỷ đồng, tích cực hơn so với cùng kỳ lỗ hơn 74 tỷ.

Tuy nhiên, An Khang vẫn đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các nhà thuốc thương mại hiện đại khác như Long Châu, Pharmacity hay hàng nghìn nhà thuốc bán lẻ đã có sẵn trên thị trường hàng chục năm. Mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu, nhưng theo đánh giá của người mua, vị trí của An Khang không "đắc địa", giá bán cũng không cạnh tranh bằng chuỗi cửa hàng thuốc thuộc FPT Retail.

Ngoài ra, do không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như Long Châu nên An Khang sẽ khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.

SSI Research ước tính doanh thu chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt 2.500 tỷ vào năm 2024 (tăng 16% so với cùng kỳ) và 2.900 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) vào năm 2025, nhưng lỗ lần lượt 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn