Áp lực bán lan rộng, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.280 điểm

Áp lực bán lan rộng, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.280 điểm

Áp lực bán gia tăng khi thị trường đang tiệm cận vùng đỉnh cũ là điều hết sức bình thường và chỉ số VN-Index tiếp tục trạng thái rung lắc nhẹ rồi khép lại phiên sáng cuối tuần với mức điều chỉnh nhẹ với thanh khoản giảm mạnh.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn “đìu hiu” bởi tâm lý giao dịch thận trọng của cả bên mua và bán. Dù áp lực bán có chút dâng cao khiến VN-Index nới nhẹ biên độ giảm và có lúc rơi xuống sát mốc 1.275 điểm, nhưng thị trường không đi quá xa bởi đà bán không quá lớn.

Thị trường khép lại phiên cuối tuần bằng sắc đỏ, ghi nhận phiên giảm nhẹ thứ 3 liên tiếp, nhưng VN-Index vẫn giao dịch trên đường MA20, tương đương vùng giá 1.260 – 1.270 điểm, cho thấy tâm lý chưa quá bi quan và giới đầu tư vẫn kỳ vọng chỉ số chung sẽ sớm có nhịp hồi phục.

Chốt phiên, sàn HOSE có 140 mã tăng và 298 mã giảm, VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,24%), xuống 1.280,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 606,3 triệu đơn vị, giá trị 15.253,43 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 17,63% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 59,48 triệu đơn vị, giá trị 1.487,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cùng xu hướng chung với thị trường khi đóng cửa giảm gần 4,5 điểm khi có 16 mã giảm và chỉ 9 mã tăng. Trong đó, cặp đôi GVR và VIC tăng tốt nhất, tương ứng đạt 2,6% và 1,6%; ngược lại BVH, MSN và HPG giảm sâu nhất là 1,2 – 1,3%, còn lại đều biến động tăng giảm khá hẹp.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thủy sản và sản xuất nhựa – hóa chất ngược dòng thị trường chung khi nới rộng biên độ tăng, đều đạt gần 1,5%. Điểm sáng ở nhóm thủy sản là VHC tăng 2,2%, ANV tăng 2% và ABR tăng 4,21%, còn lại lình xình giảm nhẹ.

Trái lại, nhóm sản phẩm cao su giảm mạnh nhất khi để mất hơn 1,5%, bởi CSM giảm hơn 5%, DRC và BRC cũng đều kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm khi mã lớn VCB không còn giữ được sắc xanh. Toàn ngành chỉ còn TPB và MSB khởi sắc với mức tăng khá hạn chế chỉ trên dưới 0,5%, còn lại đứng giá tham chiếu hoặc giảm trên dưới 1%. Cổ phiếu VPB và SHB giao dịch sôi động nhất dòng bank, lần lượt đạt hơn 16 triệu đơn vị và 14,7 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 0,3% và đứng giá tham chiếu.

Nhóm chứng khoán thuộc top giảm mạnh nhất dù chưa tới 1%, trong đó VIX giảm 2% là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt gần 9,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, sôi động nhất thị trường là cặp đôi cổ phiếu thép, với HPG và HSG khớp lệnh xoay quanh mức 18 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 1,2% và tăng nhẹ 0,2%; cổ phiếu NKG đảo chiều khởi sắc sau diễn biến lình xình suốt cả phiên sáng, đóng cửa tăng tích cực 2,8% lên mức 25.700 đồng/CP.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,15%) xuống 245,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,23 triệu đơn vị, giá trị 1.029,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 3 triệu đơn vị, giá trị 98,84 tỷ đồng.

Cặp đôi chứng khoán MBS và SHS có thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 4,3 triệu đơn vị và 3,93 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 0,6% và giảm 0,6%.

Tâm điểm đáng chú ý là bộ 3 cổ phiếu nhà Apec, trong đó API đã kéo trần thành công và đóng cửa đứng tại mức giá 7.700 đồng/CP với khối lượng khớp 1,18 triệu đơn vị.

Còn IDJ và APS cũng có lúc khoe sắc tím và đóng cửa lần lượt tăng 6,2% và tăng 8,3%, lên mức 6.900 đồng/CP và 7.800 đồng/CP, với thanh khoản tương ứng đạt 3,56 triệu đơn vị và 2,56 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù bật hồi đôi chút nhưng chỉ số UPCoM-Index vẫn không thoát khỏi đà giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường chung phân hóa.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%), xuống 98,14 điểm với 162 mã tăng và 161 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 60,66 triệu đơn vị, giá trị 833,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,43 triệu đơn vị, giá trị 128,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã khởi sắc trở lại, đóng cửa tăng 1,7% lên mức 23.900 đồng/CP với thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 10,66 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ PVX vẫn giữ sắc tím với thanh khoản chỉ thua BSR, đạt 6,38 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,77 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như VGT tăng 2,3%, DDV tăng 1,4%, cặp đôi nhỏ ACM và FTM tăng kịch trần, với khối lượng giao dịch đều đạt một đến vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm. Trong đó, VN30F2407 giảm 5,7 điểm, tương đương -0,4% xuống 1.300 điểm, khớp lệnh gần 207.770 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CMSN2313 có thanh khoản vượt trội nhất, đạt 4,18 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10% xuống 540 đồng/cq. Tiếp theo là CVHM2313 khớp 2,61 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 12,5% lên mức 90 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn