Bảo hiểm tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng chịu thiệt hại bởi bão số 3

Xuống tận hiện trường, rút ngắn hồ sơ bồi thường bảo hiểm

Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm, bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thống kê từ con số báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến 12/9/2024, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Nhưng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, đến nay, số lượng hồ sơ đề nghị bồi thường, tạm ứng bảo hiểm tiếp tục “dày” lên.

Ghi nhận số tiền phải bồi thường bảo hiểm cao nhất hiện nay là Tổng công ty Bảo hiểm PVI với hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Tuy nhiên, PVI vẫn huy động toàn bộ đội ngũ giám định viên và các công ty giám định độc lập do Bảo hiểm PVI chỉ định xuống hiện trường, ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.

Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã tiếp nhận gần 700 vụ tổn thất, tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa với ước tính tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết đang nhanh chóng triển khai các giải pháp tạm ứng bồi thường, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp chịu thiệt hại nhằm giúp khách hàng sớm ổn định và tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, theo ông Đoàn Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Công ty đã huy động tối đa lực lượng giám định viên và cán bộ chuyên môn trên toàn hệ thống làm việc hết công suất để phục vụ khách hàng; triển khai đội ngũ giám định viên làm việc trực tiếp tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ,… nơi nước lũ dâng cao gây ngập úng hàng loạt tài sản, nhà cửa, phương tiện và hàng hóa bị phá hủy nặng nề.

Về phía bảo hiểm nhân thọ, ghi nhận mới nhất có 6 doanh nghiệp tiếp nhận 15 vụ với 15 người thương vong, ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu là khoảng gần 10 tỷ đồng.

Cùng với nỗ lực cử cán bộ, nhân viên thực hiện xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên thụ hưởng, các doanh nghiệp bảo hiểm còn tìm hướng để giảm thiểu hồ sơ, đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp chủ trương bồi thường đầy đủ hoặc áp dụng mức giảm trừ thấp nhất với các trường hợp không thông báo ngay, không giữ hiện trường do tình huống bất khả kháng. Ngoài ra, hồ sơ bảo hiểm có thể sử dụng từ hồ sơ tín dụng khi vay vốn, bởi hồ sơ này cũng đã phản ánh được quá trình sử dụng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp… qua đó rút ngắn quy trình giám định ban đầu.

Thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội

Không chỉ nhanh chóng thực hiện các giải pháp tạm ứng, bồi thường bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại, ngành Bảo hiểm còn “chung tay” tham gia hỗ trợ với tinh thần “tương thân tương ái”. Mới đây, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ số tiền 500 triệu đồng đến các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã trích quỹ an sinh xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để ủng hộ 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho hay, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường tại một số điểm còn ngập lụt nên chưa xác định được hết mức độ thiệt hại. Vì thế, theo ông Đức, các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tiếp cận để xác định thiệt hại và tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường cho người tham gia bảo hiểm đầy đủ, kịp thời, đúng theo cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không chỉ giúp khách hàng vượt qua khó khăn mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành Bảo hiểm đối với cộng đồng. Vì thế, những ngày qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương, tích cực thực hiện trách nhiệm bảo hiểm, cử cán bộ xuống tận hiện trường để nắm bắt thông tin thiệt hại, thăm hỏi khách hàng và kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để đẩy nhanh quá trình thẩm định, bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Hiệp hội sẽ tổng hợp vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm, qua đó báo cáo và xin ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước để được tháo gỡ kịp thời.

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục vừa chỉ đạo, giám sát, vừa tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm giúp họ sớm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn