BIDV (BID) có 15.300 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn

Nợ xấu và chất lượng nợ cho vay đang thu hút sự chú ý lớn sau khi nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong số đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) đã gây bất ngờ với mức tăng đáng kể về nợ xấu.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 5,92% so với đầu năm. Tuy nhiên, chất lượng cho vay đã suy giảm khi tổng nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5 đạt 28.687 tỷ đồng, tăng 32,4% so với đầu kỳ. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,22% lên 1,52%.

Cơ cấu nợ vay cho thấy nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến 128%, đạt 7.113 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 13,7% lên mức 6.281 tỷ đồng; và nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 32,4%, lên 15.292 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm hơn 65% tổng dư nợ, tương đương 1,23 triệu tỷ đồng.

BIDV (BID) có 15.300 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Chất lượng cho vay khách hàng của BIDV

Mặc dù nợ xấu gia tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn vượt 15.200 tỷ đồng, BIDV chỉ chi 9.746 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một yếu tố góp phần vào sự gia tăng lợi nhuận của ngân hàng trong nửa đầu năm.

Về hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập lãi từ cho vay khách hàng giảm 12,7%, xuống còn 59.400 tỷ đồng. Sự gia tăng dư nợ cho vay khách hàng, trong khi thu nhập từ lãi giảm, cho thấy áp lực từ việc giảm lãi suất đang tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh của BIDV.

Hoạt động huy động vốn cũng ghi nhận sự thay đổi khi tổng tiền gửi khách hàng giảm. Chi phí lãi tiền gửi giảm 23,6%, xuống còn hơn 32.880 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của BIDV tăng 12%, đạt 12.450 tỷ đồng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn