Biến động ‘miếng bánh’ thị phần môi giới chứng khoán
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý IV và cả năm 2024. Theo đó, trong quý IV/2024, danh sách trong top 10 thị phần vẫn giữ nguyên như quý trước nhưng một số "ông lớn" tiếp tục “rơi” bớt thị phần.
Nhiều xáo trộn
Chứng khoán VPS giữ vững ngôi vị số 1 thị phần môi giới ở sàn HoSE với 16,45%, nhưng tiếp tục giảm so với mức 17,63% của quý III. Đây cũng là quý giảm thứ 3 liên tiếp của công ty chứng khoán (CTCK) này.
So với quý III/2024, top 5 không có sự thay đổi về thứ hạng. Chứng khoán SSI tiếp tục giữ vị trí thứ 2 với thị phần 9,29%, tăng so với mức 8,84% của quý III/2024. Thị phần của 3 vị trí liền sau VPS và SSI đều tăng so với quý trước. Trong đó, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đạt 7,7%, Chứng khoán Vietcap đạt 7,03%, Chứng khoán TP.HCM (HSC) đạt 6,75%. Thị phần của TCBS tăng mạnh nhất trong top 10 với mức tăng 0,61%.
Thị phần môi giới chứng khoán năm 2024 có nhiều xáo trộn. |
Cùng với VPS, thị phần của Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán FPT (FPTS) giảm so với quý trước, đạt lần lượt 5,08% và 2,84%. Hai CTCK này đang lần lượt giữ vị trí thứ 7 và 10 trên bảng xếp hạng.
Chiều ngược lại, thị phần của Chứng khoán MB (MBS) tăng mạnh thứ 2 sau TCBS, đạt 5,16% (tăng 0,47%), giúp MBS vượt qua VNDirect để giữ vị trí thứ 6 trong top 10.
Tính chung cả năm 2024, VPS vẫn vững vàng ở vị trí dẫn đầu với thị phần 18,26%, nhưng giảm 0,8% so với năm 2023. SSI cũng giữ vững vị trí thứ 2 về thị phần năm 2024 với 9,18% nhưng giảm đến 1,26%. Đây là mức giảm thị phần lớn nhất trong top 10 trên sàn HoSE năm 2024.
VNDirect ghi nhận thị phần giảm 1,14% và chỉ đạt 5,87% trong cả năm 2024. Dù không teo mạnh “miếng bánh” như SSI nhưng năm qua, VNDirect là CTCK bị tụt hạng sâu nhất, từ vị trí thứ 3 xuống xuống vị trí thứ 6 trong top 10 thị phần môi giới sàn HoSE. TCBS và HSC đều được tăng 1 bậc lên vị trí thứ 3 và thứ 4 với thị phần lần lượt là 7,18% và 6,41%.
Đáng chú ý, thị phần của Vietcap đạt 6,08%, tăng 1,61% so với năm 2023 và từ vị trí thứ 8 vươn lên đứng ở vị trí thứ 5. Thị phần của MBS, Mirae Asset Việt Nam (MAS) và KIS Việt Nam đều giảm so với năm 2023. Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thay thế FPTS để lọt vào top 10 trong năm 2024 với 2,91% nhờ số liệu tích cực trong nửa đầu năm.
Có thể thấy, năm 2024 tiếp tục là một năm có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTCK nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Không chỉ miễn phí giao dịch, nhiều CTCK còn thực hiện các chương trình ưu đãi margin, hoàn phí để thu hút và giữ chân khách hàng giao dịch. Bên cạnh đó, các yếu tố về an ninh mạng, sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ cũng là các yếu tố mà khách hàng quan tâm khi lựạ chọn CTCK để giao dịch. Bức tranh thị phần 2024, vì thế cũng có nhiều xáo trộn đáng kể.
Thị phần lớn chưa chắc lợi nhuận cao
Nhiều ý kiến nhận xét thị phần giao dịch của top 10 CTCK trên sàn HoSE đã và đang có sự biến động lớn với nhiều tên tuổi mới, cùng với đó là mô hình kinh doanh bắt đầu có nhiều khác biệt hơn. Cụ thể, nếu tính từ sau giai đoạn khủng hoảng 2008, ngành chứng khoán đang trải qua hai giai đoạn thay đổi căn bản.
Trong giai đoạn trước 2020 (hay trước đại dịch Covid-19), gần như nhóm các CTCK truyền thống như SSI, HSC, Vietcap, MAS, VNDirect thống trị top 5 khá chắc chắn, với thị phần khoảng 50% toàn thị trường. Nhờ lợi thế về quy mô, hệ thống, kinh nghiệm và tệp khách hàng, các CTCK này đã thống trị thị phần và duy trì khoảng cách lớn với phần còn lại. Các CTCK còn lại trong top 10 chỉ chiếm khoảng 15% thị phần, còn hơn 70 công ty ngoài top 10 chỉ chiếm khoảng 35% thị phần.
Tuy nhiên, sang giai đoạn sau đại dịch Covid-19, hình thức giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Các công ty mới bắt đầu gia tăng đầu tư cho công nghệ, áp dụng nhiều phương thức bán hàng mới, kết hợp với việc giảm phí giao dịch cho khách hàng, nên thị phần bắt đầu có sự chuyển dịch. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Chứng khoán VPS - từ một tên tuổi xa lạ đã bắt đầu vươn lên vị trí số 1 và cách biệt khá xa so với phần còn lại.
Sự vươn lên của VPS được coi là “chất xúc tác” cho nhiều CTCK còn lại bắt đầu cuộc đua gia tăng quy mô vốn, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và phương thức bán hàng mới, nhằm chiếm lĩnh thị trường "màu mỡ" này.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận suy giảm thị phần không đồng nghĩa với việc CTCK mất đi tất cả lợi thế. Chiến lược tăng vốn và xoay trục sang mảng cho vay margin và tự doanh khiến nhiều CTCK chấp nhận đánh đổi. Và kết quả kinh doanh phần nào cho thấy thị phần lớn chưa hẳn đi kèm với lợi nhuận cao.
Theo Báo cáo tài chính quý III/2024, "quán quân" thị phần - VPS có lợi nhuận xếp sau đáng kể so với TCBS.
Cụ thể, VPS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong quý III đạt 1.644 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán của VPS giảm khá mạnh, từ mức 953 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 713 tỷ đồng năm nay.
Điều này có thể lý giải là do VPS hoạt động dựa vào thị phần môi giới là chủ yếu, trong khi thị trường chứng khoán trong quý III lại “ì” với thanh khoản thấp.
Tuy nhiên, do chi phí hoạt động giảm rất mạnh giúp lợi nhuận ròng của VPS vẫn đạt 656 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, dù thị phần top 4, TCBS với lợi thế về cho vay margin lại là CTCK lãi nhất ngành với mức lãi trước thuế 1.097 tỷ đồng (giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ).
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn