‘Cá mập’ rút gần 2 tỷ USD khỏi Việt Nam nửa đầu năm 2024, một mã bất động sản bị xả gần 12.000 tỷ đồng

Kết phiên 28/6, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.100 tỷ và gần 4.500 tỷ đồng trong tuần cuối của tháng 6. Nhìn rộng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút gần 2 tỷ USD (khoảng 50.000 tỷ đồng) khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Con số này đang tiến sát kỷ lục bán ròng được thiết lập vào năm 2021 với hơn 58.000 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu Vinhomes (VHM) là tâm điểm bán ròng của khối ngoại từ đầu năm tới nay với giá trị lên tới 11.615 tỷ đồng.

Tiếp theo trong danh sách bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với hơn 7.450 tỷ đồng, cùng với hai mã VN30 là VNM và FPT với giá trị lần lượt hơn 5.500 tỷ và 5.300 tỷ đồng.

khoi-ngoai-ban-nua-dau-nam.png
Top cổ phiếu khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay

Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ cổ phiếu Thế giới di động (MWG) với gần 2.000 tỷ đồng. BHI và IDC cũng được mua ròng đáng kể với giá trị xấp xỉ 1.628 tỷ và 1.343 tỷ đồng.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng bán ròng sẽ dừng lại, đồng nghĩa với khả năng cột mốc kỷ lục mới sẽ sớm được thiết lập khi mà khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu dừng xả hàng, triền miên bán ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên.

Từ cuối năm 2022 đến nay dường như trên toàn cầu đang diễn ra một cuộc tái cấu trúc các dòng vốn quốc tế. Cuộc tái cấu trúc này bắt nguồn từ câu chuyện đồng USD ngày càng tăng giá cùng quá trình Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) liên tục 11 lần nâng lãi suất, lên biên độ 5,25-5,5% từ tháng 7/2023 đến nay.

‘Cá mập’ rút gần 2 tỷ USD khỏi Việt Nam nửa đầu năm 2024, dòng tiền ngoại đang đi đâu?
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ năm 2022 đến nay

Khi đồng USD lên giá mạnh đồng nghĩa ép các đồng tiền “yếu” rớt giá sâu, trong đó có đồng tiền Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay VND đã mất giá gần 5% so với USD. Trong bối cảnh đó, việc các nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo ETF mới nhất của Chứng khoán Yuanta, trong tuần trước, một lượng tiền lớn gần 54,4 tỷ USD được đổ thêm vào các quỹ ETF Mỹ, đặc biệt là quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ dẫn đầu dòng tiền với hơn 46 tỷ USD, lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu quý II/2024 đến nay.

Trong khi đó, các quỹ ETF đầu tư vào các nhóm tài sản khác cũng lần lượt ghi nhận dòng tiền vào ròng. Cụ thể, các quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ hút ròng 3,5 tỷ USD, các quỹ đầu tư cổ phiếu nước ngoài hút ròng 4,1 tỷ USD và các quỹ đầu tư trái phiếu nước ngoài hút ròng 451 triệu USD. Tại thị trường hàng hóa, tuần qua các nhà đầu tư ETF Mỹ đã đảo chiều bơm ròng trở lại 200 triệu USD cho các quỹ này.

‘Cá mập’ rút gần 2 tỷ USD khỏi Việt Nam nửa đầu năm 2024, dòng tiền ngoại đang đi đâu?
Dòng vốn ETF tại Mỹ tăng mạnh trong thời gian qua (Nguồn: Yuanta)

Đồng quan điểm trên, theo SSI Research, các rủi ro liên quan tới lãi suất, tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Song, báo cáo chỉ ra điểm tích cực là kỳ vọng về bản dự thảo lần 2 của thông tư cho phép công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được công bố.

Đội ngũ phân tích duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam, tuy nhiên đánh giá cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn. Tín hiệu tích cực có thể sẽ bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) ổn định hơn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn