Các ngân hàng dồn lực tăng trưởng tín dụng

Sáng 24/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Từ cuối tháng 3 đến nay đã có xu hướng phục hồi và cải thiện. Kết thúc quý II/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến hết quý II/2024 đạt 5-6%” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, năm 2024 là một năm hành động vượt khó. Ngay từ đầu năm, trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, Agribank triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới trong đó có 9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp; Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, nhờ vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng khá khả quan. Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính tới 22/6 là 7%. Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đạt 13,3%. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6 là 12,4%...

Đáng mừng là tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tốt. Trong đó, tín dụng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%... 

f
Tín dụng đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, hiện nay, nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khách hàng gặp khó khăn. Tính đến hết 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của Agribank đạt hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó 50% là cho vay lĩnh vực tam nông.

"Trong thời gian 6 tháng cuối năm, mục tiêu của Agribank là tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10%. Đặc thù của Agribank là tính chất mùa vụ nên dư nợ tập trung vào 6 tháng cuối năm. Hiện nay, ngoài triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, gói cho vay lâm sản, thủy sản 30.000 tỷ đồng, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi đối với tất cả các thành phần từ các tập đoàn, tổng công ty, khách hàng lớn", bà Bình cho biết.

Tuy đạt những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, song lãnh đạo các ngân hàng cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều thách thức. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, nhưng nửa đầu năm mới đạt khoảng 6%. Thị trường vốn tiếp tục khó khăn đẩy áp lực vốn trung, dài hạn sang tín dụng ngân hàng. Dù các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi xuất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao.

Xem thêm tại baodautu.vn