Cây cầu thứ ba nối thông 2 tỉnh giàu nhất Việt Nam sẽ thông xe vào dịp 2/9 tới đây

Cầu Bạch Đằng 2 nối xã Bạch Đằng (TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng chiều dài hơn 2,8km với phần cầu dài 410m, rộng 17m với 4 làn xe. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là gần 500 tỷ đồng.

Vị trí xây cầu Bạch Đằng 2. Ảnh: Google Map

Vị trí xây cầu Bạch Đằng 2. Ảnh: Google Map

Sau hơn 2 năm thi công, ngày 11/7 vừa qua, cầu Bạch Đằng 2 đã chính thức hợp long. Các công nhân trên công trường hiện vẫn đang làm việc miệt mài, đảm bảo tiến độ công trình sẽ hoàn thành và thông xe vào dịp 2/9 tới đây.

Đại diện đơn vị thi công (Liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492) cho biết, để thực hiện dự án, hiện nay có 6 mũi thi công. Trong đó mỗi một mũi ở ngoài sông được bố trí 1 sà lan, 1 cần cẩu và có từ 15-20 công nhân, lao động làm việc 3 ca mỗi ngày.

Cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thành hợp long vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: PLO

Cầu Bạch Đằng 2 đã hoàn thành hợp long vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: PLO

Cầu Bạch Đằng là cây cầu thứ ba trực tiếp kết nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương và là dự án giao thông trọng điểm để kết nối 2 tỉnh với khu vực Đông Nam Bộ.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do điều kiện tự nhiên 2 tỉnh ngăn cách bởi sông Đồng Nai nên việc lưu thông qua lại khu vực này trở nên khó khăn. Đặc biệt là khi vị trí các cầu kết nối còn hạn chế đã tạo sự ngăn cách về giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng. Chính vì vậy mà việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền thị xã Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu sẽ tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống thoát nước trên cầu, đường dẫn phía tỉnh Bình Dương cũng đang nhanh chóng đổ đá, san mặt đường. Ảnh: PLO

Hệ thống thoát nước trên cầu, đường dẫn phía tỉnh Bình Dương cũng đang nhanh chóng đổ đá, san mặt đường. Ảnh: PLO

Cầu Bạch Đằng 2 khi được hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho lưu thông của người dân, giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh cầu Bạch Đằng 2, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã thống nhất bổ sung thêm 4 vị trí xây cầu bắc qua sông Đồng Nai và sông bé gồm cầu Hiểu Lam 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2.

Đồng Nai và Bình Dương là 2 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm. Xếp sau là TP. HCM với 107 triệu đồng/người/năm và tỉnh đứng thứ 3 Đồng Nai với 92 triệu đồng/người/năm. Như vậy, Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh giàu nhất Việt Nam tính đến hết năm 2023.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn