Chốt lời mạnh tay hơn, cổ phiếu đỏ la liệt, cổ phiếu trụ vẫn “gồng” chỉ số
Từ mức tăng cao nhất hơn 5 điểm, VN-Index bổ nhào giảm từ đỉnh khoảng 10h30 và chốt phiên sáng đã mất 1,76 điểm. Biến động không quá lớn này là nhờ vẫn còn một số cổ phiếu trụ lớn nâng đỡ, trong khi độ rộng thể hiện số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng. Thanh khoản sàn HoSE cũng tăng 12% lên mức cao nhất 9 phiên, xác nhận có lực bán ép giá mạnh hơn đáng kể so với các phiên trước.
Biên độ dao động của VN-Index hiện chủ yếu là trượt giảm từ đỉnh, còn mức giảm qua tham chiếu chưa nhiều. Trong 10 trụ lớn nhất vẫn còn 6 mã xanh là VCB tăng 0,8%, BID tăng 1,06%, FPT tăng 1,69%, GAS tăng 0,26%, VPB tăng 0,26% và VNM tăng 0,6%.
Chỉ số VN30-Index đang giảm 0,13% với 6 mã tăng/21 mã giảm. Độ rộng tệ hại này là kết quả của nhịp trượt giảm trên diện rộng: Lúc mạnh nhất rổ này chỉ có 4 mã đỏ là BCM, SAB, TCB và VJC. Tuy nhiên do vẫn có nhịp tăng nửa đầu phiên, biên độ điều chỉnh trong ngày của nhiều cổ phiếu hiện đang khá rộng, gây thiệt hại không nhỏ. Ví dụ GVR lao dốc 2,12% so với giá đỉnh giữa phiên và hiện thành giảm 0,86% so với tham chiếu. VRE lao dốc 2,34% thành giảm 1,65%. Thậm chí mạnh như FPT cũng đã suy yếu khoảng 0,94% so với giá đỉnh. GAS để mất 1,13% co hẹp biên độ lại còn tăng 0,26%. BVH, POW, HDB, HPG, TPB đảo chiều với biên độ lớn trên 1% và đều rơi qua tham chiếu…
Trong bối cảnh thanh khoản chung của HoSE tăng, giao dịch của rổ VN30 lại giảm hơn 8% so với sáng hôm qua. Điều này cho thấy có sự trái ngược với mặt bằng chung, khi các blue-chips quay đầu điều chỉnh do lực cầu quá kém. Ngược lại, tổng thể thị trường lại quay đầu giảm trên nền thanh khoản tăng, xác nhận có lực bán ép giá nhiều hơn các phiên trước.
Thực vậy, độ rộng của VN-Index nửa đầu phiên vẫn khá tốt. Tại đỉnh của chỉ số ghi nhận 191 mã tăng/164 mã giảm. Trước đó, độ rộng còn tốt hơn vì thị trường ở chiều đi lên. Chẳng hạn lúc gần 10h, có tới 195 mã tăng/138 mã giảm. Đến khoảng 10h45 độ rộng bắt đầu cân bằng 179 mã tăng/178 mã giảm trong khi chỉ số vẫn chưa đỏ. Chốt phiên sáng tình thế thay đổi hẳn, với 123 mã tăng/261 mã giảm. Như vậy, cổ phiếu rơi trước và chỉ số phản ánh chậm hơn nhờ vẫn còn trụ nâng đỡ.
Dù vậy hiện sàn HoSE đang có 76 mã giảm quá 1% so với tham chiếu và thanh khoản chỉ chiếm 13,7% tổng giá trị khớp của sàn. Các cổ phiếu nhỏ, thanh khoản thấp dường như lại rơi nhanh hơn. Đây có thể là hiệu ứng của việc đi ngược dòng mạnh mẽ của các phiên trước khi các mã thanh khoản thấp được kéo lên thuận lợi và sinh lời tốt. Mặt khác, độ rộng và chỉ số cho thấy thị trường mới thực sự giảm trên diện rộng ở ít phút cuối phiên. Đa phần cổ phiếu phải mất thời gian để trượt từ vùng giá xanh xuống.
Phía tăng hiện cũng còn 41 cổ phiếu duy trì được biên độ hơn 1% so với tham chiếu. Nhóm này tập trung khá nhiều mã thanh khoản tốt như VOS tăng 5,21% với 156,3 tỷ đồng; AAA tăng 2,19% với 100,2 tỷ; FPT tăng 1,69% với 546,8 tỷ; DPM tăng 1,08% với 117,5 tỷ; BID tăng 1,06% với 124,8 tỷ. Tuy nhiên ngay cả ở những cổ phiếu rất mạnh này thì thanh khoản cao cũng có biểu hiện của lực chốt lời mạnh khi giá đều tụt xuống thấp hơn đáng kể so với đỉnh. Ví dụ VOS thậm chí có lúc kịch trần và hiện đã phải trả lại 1,46% điểm tăng; AAA thậm chí đã rơi 2,1% so với giá cao nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tăng mạnh cường độ mua tới 83% so với sáng hôm qua, đạt 607,7 tỷ đồng trong khi bán không tăng nhiều với 767,9 tỷ. Mức bán ròng tương ứng 160,2 tỷ. Đây là ngưỡng rút ròng thấp nhất 23 phiên sáng. Các mã bị bán nhiều là FPT -80,4 tỷ, VRE -74,1 tỷ, VHM -25,6 tỷ, DXG -24,6 tỷ. Bên mua có BID +39,3 tỷ, VCB +37,6 tỷ, NLG +32,2 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn