Chốt ngày hủy niêm yết cổ phiếu Xây dựng Hoà Bình và HAGL Agrico
Thông tin mới cập nhật, ngày 9/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết 347,2 triệu cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, có hiệu lực từ ngày 6/9. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu HBC sẽ là ngày 5/9.
Lý do hủy niêm yết là do Xây dựng Hòa Bình có số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Điều này thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020.
Cùng ngày, HoSE cũng quyết định hủy niêm yết hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) từ ngày 6/9, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 5/9.
Lý do hủy niêm yết của HAGL Agrico là do doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2021, 2022 và 2023. Đây là trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Cuối tháng 7 vừa qua, HoSE đã có công văn thông báo với hai doanh nghiệp về việc sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu. Sau khi nhận được thông báo, Tập đoàn Hòa Bình đã có công văn phúc đáp cơ quan quản lý, bày tỏ không đồng ý với các căn cứ HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.
Xây dựng Hoà Bình cho biết, vốn điều lệ của Công ty là 2.741 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 âm 2.401 tỷ đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là âm 3.240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ luỹ kế của HBC trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ của Công ty nên không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết.
Đồng thời, HBC cho rằng việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trước đây Quy chế Niêm yết Chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19/03/2018 có hướng dẫn về việc căn cứ vào Báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con, nên các trường hợp tương tự Tập đoàn Hòa Bình trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp.
“Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc HOSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (lịch sử áp dụng), nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải là quy định pháp luật hiện hành thì đều là không phù hợp quy định pháp luật”, HBC nêu rõ.
Đối với trường hợp HAGL Agrico, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào sáng ngày 4/5, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương khẳng định, nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCOM, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch với 33.000 cổ đông như trên HOSE và trở lại sàn HOSE ngay khi đủ điều kiện.
"Cổ đông cứ ngại việc hủy niêm yết, tôi thấy việc minh bạch và hình thành giá trị thực là quan trọng, cho dù xuống UPCoM khi làm tốt giá cổ phiếu vẫn có thể đi lên" - Ông Trần Bá Dương nói.
Được biết, cả hai doanh nghiệp này đều đã lên kế hoạch đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM.
Trên thị trường chứng khoán, bộ đôi cổ phiếu HBC và HNG đều chứng kiến đà “lao dốc” sau “án” huỷ niêm yết. Thị giá HBC kết phiên 9/8 dừng mức giá 4.970 đồng/cp, giảm gần 30% sau 2 tuần. Tương tự, HNG cũng giảm hơn 26% trong giai đoạn từ 11/7-5/8 trước khi phục hồi gần đây, kết phiên 9/8 ở mức giá 4.080 đồng/cp.
Xem thêm tại cafef.vn