Chứng khoán thủng mốc 1.240 điểm, nhà đầu tư lại "toát mồ hôi"

Phiên giao dịch chứng khoán sáng 13-11, thị trường tiếp tục trạng thái ảm đạm, lo lắng, VN-Index thủng mốc hỗ trọ 1.240 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên, rơi về 1.236,33 điểm, giảm hơn 8 điểm so với phiên trước và thủng mốc hỗ trợ mạnh vùng 1.240 điểm. HNX-Index giảm 1,8 điểm xuống còn 224,89 điểm trong khi Upcom Index giảm nhẹ 0,31 điểm còn 92,08 điểm. Thanh khoản bật tăng so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp trong những ngày qua, giá trị giao dịch trên HOSE chưa tới 7.000 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp vào đà giảm mạnh của thị trường với loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ như STB, TCB, BID, VPB, CTG. Nhiều cổ phiếu khác trong rổ VN30 cũng biến động tiêu cực như HPG, GVR, GAS…

Khối ngoại chưa dừng đà bán ròng, với giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong phiên sáng hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó bán hơn 600 tỉ đồng.

Chứng khoán thủng mốc 1.240 điểm, nhà đầu tư lại "toát mồ hôi"- Ảnh 1.

Khối ngoại bán ròng liên tiếp tác động tới tâm lý nhà đầu tư

Với diễn biến tiêu cực ở hiện tại, VN-Index đã có chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp. Đáng chú ý, thị trường cũng thủng luôn mốc hỗ trợ mạnh 1.240 điểm, vốn được cho là vùng hỗ trợ kích thích lực cầu bắt đáy từ thị trường. Chỉ số chứng khoán hiện đã rơi về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8-2024 đến nay.

Trên các diễn đàn, hội, nhóm đầu tư, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng khi thị trường chứng khoán quốc tế, nhất là thị trường Mỹ liên tục lập đỉnh lịch sử mới sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Ở chiều ngược lại, chứng khoán Việt lại chìm trong sắc đỏ, liên tục dò đáy.

Diễn biến của thị trường cũng ngược với nhiều dự báo của giới phân tích khi cho rằng VN-Index sẽ hưởng lợi khi ông Trump đắc cử.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất của Dragon Capital Việt Nam, quỹ đầu tư này cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ biến động mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu của quỹ vẫn đang được quan sát liên tục và chưa thấy áp lực tức thời về doanh thu do sự kiện này.

"Các công ty thuộc nhóm ngành xuất khẩu có mức độ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách sắp tới của Tổng thống Trump chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong VN-Index nên rủi ro từ nhóm này sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến toàn thị trường. Tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn duy trì sự tích cực, bởi nhiều người có cái nhìn lạc quan về việc đắc cử của ông Trump" - chuyên gia của Dragon Capital nói. 

Theo Dragon Capital Việt Nam, trong 3 năm trước khi COVID-19 bùng phát, dưới thời ông Trump, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng, lên đến 19,1%. Tuy nhiên, các chính sách và phát ngôn khó đoán của ông Trump đã làm gia tăng độ biến động cho thị trường.

Dù vậy, VN-Index vẫn ghi nhận mức lợi nhuận kép hàng năm khoảng 15% trong giai đoạn này, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp do chịu tác động chiết khấu từ sự biến động thị trường.

Hiện tại, triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi định hướng tăng trưởng của Chính phủ, mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro.

Ở chiều ngược lại, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển sang thị trường Mỹ. Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp tục phải chịu chiết khấu về định giá, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều này dẫn đến lợi nhuận kỳ vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấp hơn so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Dù vậy, P/E dự phóng năm 2024 của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức 11,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 17,2 lần, cho thấy khả năng giảm thêm sẽ bị hạn chế nhờ quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước.

Xem thêm tại cafef.vn