Cổ phiếu công nghệ "dậy sóng"
Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.282 điểm, tăng nhẹ 0,16% so với tuần trước; thanh khoản sụt giảm và khối ngoại duy trì mạnh mẽ đà bán ròng. Thị trường giằng co với nhiều nhóm cổ phiếu giảm điểm, riêng cổ phiếu công nghệ tiếp tục là điểm sáng.
Liên tục ghi dấu ấn
Tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là "họ FPT" và "họ Viettel", ghi dấu ấn trên sàn chứng khoán khi đua nhau vượt đỉnh.
Trong đó, cổ phiếu FPT của Công ty FPT gây chú ý khi liên tục lập đỉnh trong 5 tháng qua, hiện ở mức 136.100 đồng - tăng 64% so với đầu năm. Cổ phiếu FOX của Công ty Viễn thông FPT cũng tăng giá gấp đôi từ giữa tháng 4-2024, từ 55.000 đồng lên mức 110.300 đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay của 2 cổ phiếu này. Một cổ phiếu khác thuộc "họ FPT" là FOC của Công ty Dịch vụ Trực tuyến FPT cũng tăng gần 35% chỉ hơn một tháng qua.
Với "họ Viettel", cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Công trình Viettel từ đầu năm đến nay tăng gần 80%, tuần qua đóng cửa tại mức đỉnh 160.200 đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel tăng gấp 4 lần chỉ trong nửa đầu năm, lên 109.700 đồng. Nhiều cổ phiếu công nghệ khác như VTP, VTK, MFS đều tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn.
"Sóng" cổ phiếu công nghệ cũng lan sang nhiều doanh nghiệp (DN) khác. Cổ phiếu CMG của Công ty Tập đoàn công nghệ CMC tăng gần 63% so với đầu năm, chạm đỉnh 70.600 đồng. Cổ phiếu ELC của Công ty Công nghệ - Viễn thông Elcom tăng gần 40%, hiện ở mức 29.050 đồng…
Ông Võ Đại Phong, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Nhất Việt, cho rằng cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm trên thế giới, việc tăng trưởng có phần được dẫn dắt bởi tập đoàn công nghệ lớn là Nvidia. Các cổ phiếu CMG, FPT đi theo xu hướng chung với sự kỳ vọng về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI). Ở trong nước, công nghệ cũng được Chính phủ quan tâm đặc biệt khi đặt mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng của khu vực.
"Xét thêm về yếu tố cung cầu trên thị trường, các cổ phiếu công nghệ đã tích lũy với nền giá dài khoảng 2 năm nên trong quá trình đi lên không chịu áp lực bán nhiều. Điều này góp phần tạo nên giai đoạn tăng giá ấn tượng" - ông Phong nhận xét.
Nhìn ở góc độ lợi nhuận của các DN niêm yết, ông Nguyễn Đại Hiệp, Phó Phòng Tư vấn khách hàng cá nhân - Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng FPT ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện trên một số mảng chính, như phần mềm - nhờ nhu cầu chuyển đổi số tiếp tục gia tăng; viễn thông - mở rộng ra thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Ông Hiệp phân tích: "Công ty Viễn thông FPT đã đầu tư nhiều vào việc mở rộng hạ tầng, mạng lưới, giúp số lượng thuê bao internet băng thông rộng tăng mạnh, dịch vụ truyền hình trả tiền tăng trưởng tích cực. Với Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel, trong quý I/2024, khoản lãi chênh lệch tỉ giá đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng của mảng viễn thông. DN này cũng đặt kế hoạch lợi nhuận cao với sự tăng trưởng thuê bao viễn thông và thuê bao số... Bức tranh lợi nhuận của các DN nhóm công nghệ có những diễn biến tích cực".
Chưa đạt đỉnh?
Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) về các nhóm ngành tăng trưởng trong quý II/2024, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho việc chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Bigdata, Cloud tiếp tục dẫn dắt thị trường. DN kỳ vọng hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như: chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Đối với ngành viễn thông, Agriseco dự báo tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G. Năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh, thành. Chính phủ đã đẩy mạnh chính sách phát triển các trung tâm dữ liệu (data center), tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông. Theo Tập đoàn Tư vấn - Nghiên cứu Gartner, việc phát triển data center giúp thúc đẩy 15% doanh thu hằng năm cho mảng viễn thông.
Ông Nguyễn Khắc Vương, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán VPS, nhận định sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ đến từ dòng tiền thông minh của nhà đầu tư. Họ đã tìm đến các DN có yếu tố nhà nước như Viettel, MobiFone hay DN có chất lượng, quy mô mang tầm thế giới như FPT khi ký kết hợp đồng trăm triệu USD với ông trùm công nghệ Nvidia...
"Các cổ phiếu công nghệ thuộc "họ FPT", "họ Viettel" hay CMG vẫn đang có sóng lớn, xu hướng dòng tiền tăng... nên vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Nhóm công nghệ, nhóm logistics (xuất khẩu, cảng biển, dầu khí...) sẽ là những nhóm cổ phiếu triển vọng sắp tới" - ông Vương nhận xét.
Theo ghi nhận của phóng viên, không ít nhà đầu tư đã bày tỏ sự tiếc nuối với nhóm cổ phiếu công nghệ khi "lỡ sóng" thời gian qua. Song, khi được hỏi có mua cổ phiếu công nghệ vào thời điểm này hay không thì họ lại cho biết lo ngại rủi ro, sợ "đu đỉnh".
"Thị trường đang biến động tích lũy sau khi rời khỏi mốc 1.300 điểm hồi đầu tháng 6. Các cổ phiếu có sự phân hóa mạnh nhưng không tạo sóng rõ ràng ở từng nhóm ngành. Một vài đơn vị môi giới khuyến nghị mua cổ phiếu công nghệ nhưng tôi thấy chúng đã tăng quá cao nên lo gặp rủi ro lướt sóng trong ngắn hạn. Nếu giữ cổ phiếu dài hạn thì mặt bằng định giá hiện tại cũng không còn rẻ" - anh Minh Nam (ngụ quận 7, TP HCM), một nhà đầu tư chứng khoán nhiều năm, lập luận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Hiệp nhìn nhận nhiều thông tin tích cực từ môi trường vĩ mô giúp cổ phiếu công nghệ nhảy vọt. Thế nhưng, trong ngắn hạn, đà hưng phấn của thị trường đang đẩy định giá của cổ phiếu ngành này lên mức khá cao. Chẳng hạn, cổ phiếu ngành phần mềm (FPT) giao dịch ở mức trên 28 lần và ngành viễn thông (ELC, FOX…) định giá ở mức hơn 21 lần.
Thị trường chứng khoán diễn biến giằng co trong tuần qua khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh và động thái cơ cấu của các quỹ ETF. Trong những phiên tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng sự chú ý sẽ chuyển hướng sang số liệu vĩ mô liên quan lạm phát của Mỹ; tăng trưởng GDP quý II và số liệu CPI tháng 6 của Việt Nam...
"Kết quả kinh doanh quý II dần được nhắc đến khi một số DN bắt đầu công bố số liệu ước tính. Bức tranh quý này vẫn tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng, kỳ vọng chỉ số VN-Index tích lũy quanh vùng 1.280 điểm trước khi chinh phục lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Lúc này, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực, chưa tăng giá mạnh như ngân hàng, công nghiệp và xuất khẩu" - ông Hinh khuyến nghị.
Xem thêm tại cafef.vn